Đã thấy mắt cười với ánh xanh

admin
29/02/16
0
Cuộc sống có những điều bất ngờ khiến nhiều người phải sửng sốt. Như ở xã Thạch Văn (Thạch Hà), vùng đất cát bạc màu nay “ngồn ngộn rau xanh, cây dát quả”, góp phần đẩy lùi cuộc sống lam lũ của người dân tự bao đời.
Hoa hướng dương khoe sắc trên đất cát Thạch Văn. Ảnh: Sỹ Ngọ
Hạt giống quen đất, con người quen tay

Đầu xuân, tôi về lại vùng biển ngang Thạch Hà, ghé vào nhà một nông dân. Bà Phan Thị Bảy đang xới đất trong vườn dừng tay cuốc. Vừa chào hỏi mấy câu, bà đã vội chép miệng: “Những ngày cuối năm, thời tiết khắc nghiệt quá. Nếu thuận hòa như mọi năm, độ này, gia đình tôi, rau tốt nhập không kịp. Nhưng có năm được, năm mất chứ chú, làm ăn cả đời, chứ phải một bữa, hai bữa gì đâu”.

Mưa xuân, những hạt mưa lay phay đậu kín bờ tre, ngọn cỏ. Trong màn mưa trắng đục, tôi vẫn thấy bừng lên sức sống trên xứ rau Thạch Văn. Chỉ cần trời hửng nắng vài ngày thôi, những vườn rau như của nhà bà Bảy trên 3 thôn: Bắc Văn, Trung Văn, Tân Văn, hết thảy mùng tơi ngọn sẽ đuổi nhau leo giàn, mướp thi nhau đẻ quả, xà lách trùm kín cả lối đi.

Thạch Văn là vùng bãi ngang, dân không đi biển, chỉ thuần túy làm nông nghiệp. Trong số hơn 650 ha đất canh tác, diện tích trồng lúa chỉ có 250 ha. Người dân mưu sinh vẫn chủ yếu là vạt ruộng nhỏ, mùa vụ bấp bênh, mấy củ khoai và khóm chuối, cây ổi cằn quanh vườn. Sống trên cát, mùa hè đi trong cát bỏng. Đất cát để hoang hóa tới hàng trăm ha, có những năm, bò tìm không ra ngọn cỏ, nước giếng cạn trơ đáy. Người dân không có vốn sản xuất, không có người cầm trịch để hoạch định cho dân Thạch Văn chiến lược làm ăn lâu dài. May thay, thời vận mới, gió xuân đã về với đất cát bạc màu Thạch Văn. Chủ trương trồng rau xanh bằng công nghệ mới trên cát chuyển động từ đầu thôn đến cuối làng.
Ông Dương Văn Thái – Chủ tịch UBND xã Thạch Văn thành thật: “Không có đầu tàu khỏe thì không kéo được toa tàu đâu. Không có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) thì dân ở đây khó thay đổi tầm nhìn, tầm nghĩ lắm. Ông Cự đến xem từng chân ruộng, mảnh vườn và nói dân không có vốn, tỉnh sẽ tìm cách hỗ trợ cho dân vay. Quyết không để đất hoang và dân nghèo mãi”.
Bà Phan Thị Bảy không quên nhắc lại chuyện ông Võ Kim Cự đến thăm nhà mình. Ông xem từng con lợn, tới tận chuồng trâu. Một lúc sau, ông bảo: “Vườn nhà chị, diện tích rộng lắm, cứ mạnh dạn bảo chồng phát quang hết. Chị không nên tự ti là mình không làm được, phải có gan làm rau mới có thêm tiền nuôi con ăn học…”.
“Vợ chồng tôi hôm đó thực sự xúc động trước lời khuyên chân thành của ông chủ tịch tỉnh. Không những đến thăm người nghèo, ông còn giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành nông nghiệp tỉnh và cán bộ địa phương phải tạo mọi thuận lợi để gia đình tôi tiếp cận được kỹ thuật và vay vốn lãi suất ưu đãi nhất” – bà Bảy rành rọt nhớ lại.
Gia đình bà Bảy đã ra khỏi danh sách hộ nghèo nhờ biết phủ kín màu xanh từ nhà ra đồng. Bà vẫn chăm ruộng lúa, lại chăm vườn rau sạch hơn 500 m2. Mỗi vụ thu hoạch từ rau – củ – quả mang lợi nhuận cho gia đình từ 25-30 triệu đồng. Rau sạch làm trên đất cát bằng công nghệ mới, bây giờ, hạt giống đã quen đất và con người đã quen tay.
Quả ngọt đầu mùa
“Cú hích” từ những người bạn
Trở về thành phố, tôi gặp anh Dương Tất Thắng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM (Mitraco) Hà Tĩnh. Thắng vốn là kỹ sư địa chất đã từng lăn lộn nhiều năm ở Lào, nhưng khi làm Tổng Giám đốc Mitraco, đơn vị anh lại gặp muôn vàn khó khăn trước nguy cơ khoáng sản đang cạn kiệt dần, thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa gắt gao và khó tính. Trong một chuyến tham quan với đoàn cán bộ tỉnh Hà Tĩnh tại Dongshan (Trung Quốc) vào tháng 8/2013, anh thấm thía câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đúng là họ giỏi, kinh tế tri thức đã đi trước thời đại. Hôm đó, cả đoàn được chiêm ngưỡng màu xanh ngút mắt của măng tây, củ cải, cà rốt, cà chua… trên những trảng cát mênh mông xứ người.
Không còn gì phải phân vân nữa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự quyết định đưa tiến bộ kỹ thuật này về áp dụng cho những vùng đất cát bạc màu ven biển Hà Tĩnh, trong đó, Thạch Văn được chọn là mô hình thí điểm. Lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ cho Mitraco Hà Tĩnh lập ngay dự án “Xây dựng mô hình trồng rau – củ – quả công nghệ cao trên vùng đất hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh”.
Cái mới nhập cuộc bao giờ cũng đầy thử thách và gian khó, đặc biệt, đối với khoa học. Sau khi trình bày dự án với cấp trên, Tổng Giám đốc Dương Tất Thắng đã mạnh dạn mời các chuyên gia Trung Quốc, Nhật Bản… đến đơn vị mình giúp đỡ, tư vấn về kỹ thuật.
Để thí điểm 12 ha, đơn vị đã xúc tiến dựng nhà tạm ngay giữa mùa gió Lào ràn rạt thổi. Những công nhân trồng rau không có ai ngủ trọn giấc vì thời tiết khắc nghiệt. Cái gió khô khốc của miền cát trắng khiến quạt điện cố tăng vòng quay vẫn cảm thấy bất lực trước sức nóng như lửa táp. Nhưng, niềm vui đã xua tan nỗi mệt nhọc. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, các bước gieo hạt, chăm sóc mầm cây ngay tại nhà ươm, vệ sinh, bảo vệ cây quá trình sinh trưởng, công đoạn sử dụng tưới tự động… được đội quân trồng rau tiếp thu chắc và thực hành tốt.
Thấy chuyện làm rau của Tổng Công ty diễn ra mau lẹ và đẹp như phim, bà con xa gần rủ nhau tới xem. Họ không ngờ, trong chang chang nắng lửa, các mầm rau vừa nẩy ra từ hạt lại sớm chiều được tắm mát từ những dòng nước nhỏ li ti, trắng xóa hình cầu vồng bằng hệ thống tự động. Nhiều người bây giờ mới vỡ lẽ rằng, dưới tầng cát bỏng phủ dày kia, đặt máy khoan sâu địa tầng 12m là có ngay nguồn nước ngầm cho rau sinh trưởng. Thế là đã có đáp số về nguồn nước. Với 12 ha rau trồng thử nghiệm, các loại cà rốt, măng tây, củ cải, cải thảo, cải bẹ đã không phụ công người. Thứ nào cũng tươi tắn, cũng cho năng suất cao, củ cải lớn năng suất 30 tấn/ha, cà rốt 8 tấn/ha, cà chua 12 tấn/ha, hành lá 10 tấn/ha… Thoạt nhìn đã thấy bắt mắt, nhưng yên tâm hơn là nguồn rau sạch từ chính mình làm ra được người tiêu dùng tin tưởng và thị trường chấp nhận. Mitraco bây giờ lại trở thành “nhà tư vấn” cho các gia đình trồng rau ở xã Thạch Văn.
Nông dân Thạch Văn thu hoạch rau-củ-quả trên cát. Ảnh: Lê Đình Hùng
Cả làng trồng rau
Theo ông Dương Văn Thái – Chủ tịch UBND xã: “Riêng đất quy hoạch cho dự án trồng rau, củ, quả ở xã Thạch Văn là 165 ha (trong đó, Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh sản xuất 120 ha; Công ty CP Môi trường và Đô thị TP Hà Tĩnh sản xuất 10 ha; các HTX Thạch Văn sản xuất 13,5 ha…). Thạch Văn hiện có tới 90% hộ tham gia trồng rau”.
Một cán bộ nông nghiệp xã “bật mí”: “Dân Thạch Văn xem Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh là người bạn đồng hành chung thủy. Cách làm này thể hiện 3 lợi ích: dân lợi, tập thể lợi và Nhà nước lợi. Cán bộ công ty không chỉ tận tình tư vấn kỹ thuật cho dân, giúp dân xây dựng hệ thống bơm tưới mà còn bao tiêu sản phẩm cho dân sau khi thu hoạch. Năm 2015, đơn vị đã hỗ trợ bà con nông dân 1 ha giống cây ăn quả, các loại giống rau, trồng 1.000 cây bóng mát dọc đường”. Thạch Văn bây giờ xuất hiện nhiều “điển hình rau sạch” lắm. Nếu liệt kê phải tới hàng chục hộ, như ông Nguyễn Văn Việt (Tân Văn), anh Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Sĩ (Bắc Văn)… Gia đình nào cũng dồi dào sản phẩm sạch như rau cải, cà chua, cà dừa, mướp đắng, mướp ngọt, mỗi vụ thu hoạch từ 25-30 triệu đồng…
Ông Nguyễn Kim Đồng, người có diện tích vườn rau “khủng” nhất, hơn 3.000 m2 thừa nhận: “Trồng rau trên đất cát không chỉ lợi về kinh tế gia đình mà còn làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi. Thạch Văn hiện đã xây dựng được 6 mô hình hợp tác xã, mỗi thành viên đều có ý thức tham gia mô hình mới này với mục tiêu lâu dài, bền vững”.
Về Thạch Văn, tôi đã thấy những gương mặt người hớn hở, những ánh mắt cười trong ánh xanh, thấy con đường bê tông rộng mở khắp xóm làng. Từ trường học, trạm y tế xã, khu chợ quê đâu cũng khang trang. Đấy là tín hiệu mùa xuân…
baohatinh.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *