Tác động về môi trường do chăn nuôi gây ra không nhỏ. Bởi vậy, việc tìm giải pháp phù hợp nhằm xử lý chất thải sau chăn nuôi để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tạo sản phẩm hữu ích cho nông nghiệp là hết sức cần thiết.
Theo thống kê, hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn Hà Tĩnh đạt gần 500 nghìn con. Trong đó có gần 100 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô trên 300 con/lứa. Việc phát triển nhanh về số lượng cũng đồng nghĩa với việc gia tăng về khối lượng chất thải với hàng triệu tấn mỗi năm.
Máy sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi
Do chỉ tập trung đầu tư để nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi, phần nhiều các trang trại chưa chú trọng đến công tác kiểm soát, quản lý chất thải nên làm phát sinh dịch bệnh, tác động xấu đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Tại nhiều địa phương, người dân còn coi chất thải chăn nuôi là phân bón, không quan tâm đến việc xử lý hoặc nếu có cũng chỉ ủ đống để chờ bón cho cây trồng theo mùa vụ. Đây là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và lây truyền các dịch bệnh cho người, vật nuôi và cây trồng.
Để xử lý chất thải chăn nuôi, những năm qua, các gia đình, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn đã áp dụng thành công và hiệu quả công nghệ biogas. Tuy nhiên, công nghệ này gây nhiều lãng phí về nguồn phân hữu cơ, cũng như lãng phí tài nguyên đất và đồng thời cũng làm gia tăng áp lực lên môi trường khu vực.
Ông Lê Văn Nhị – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco cho biết, giải bài toán xử lý chất thải chăn nuôi như thế nào là trăn trở trong nhiều năm qua đối với đơn vị. Mỗi ngày, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Mitraco với quy mô gần 10.000 con/lứa đã thải ra khoảng 200 m3 chất thải lỏng (gồm phân và nước). Ước tính mỗi năm có trên 73.000 tấn chất thải phân lợn. Trong số đó, 100% được xử lý bằng phương pháp biogas, do vậy, khối lượng phân sau biogas là rất lớn. Sau 8 năm hoạt động, bể biogas 40.000 m3 đầy và đã phân hủy, vì vậy không có hiệu quả xử lý biogas, diện tích chiếm dụng lại rất lớn.
Để xử lý vấn đề này, sau chuyến khảo sát tại Hàn Quốc và một số nước trong khu vực, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco đã lập đề án xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ và phân bón dạng lỏng bằng phương pháp kết hợp tách phân theo công nghệ Hàn Quốc. Ông Nhị cho biết, ưu điểm của công nghệ này là chất thải rắn được tách và lên men thành phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng nông nghiệp không gây ô nhiễm và độc hại; kết hợp hoàn hảo với biogas hiệu quả cao, giảm yếu tố diện tích biogas và xử lý triệt để khép kín chất thải từ trang trại chăn nuôi. Chi phí đầu tư công nghệ này khoảng 2,8 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tháng 2/2014, đơn vị tiến hành nhập và lắp đặt thiết bị.
Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hy vọng một lần nữa, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco sẽ triển khai thành công dự án xử lý chất thải sau chăn nuôi làm mô hình điểm để nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.
baohatinh.vn
Xem thêm: