Sức mạnh mềm để doanh nghiệp Hà Tĩnh thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, xem đây là sức mạnh mềm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vì sự phát triển bền vững.

Với Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải là yếu tố phụ trợ mà là nền tảng cốt lõi đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của đơn vị, góp phần định hình cách thức vận hành và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Bởi vậy, trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn xem đây là một nhiệm vụ quan trọng, được quán triệt thường xuyên.

Petrolimex Hà Tĩnh tập trung xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa người lao động với nhau.

Ông Trương Doãn Đức – Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh cho biết: Từ năm 2012, Petrolimex đã ban hành tài liệu “Văn hóa doanh nghiệp và bộ quy tắc ứng xử”. Petrolimex Hà Tĩnh luôn lấy các tiêu chí trong bộ quy tắc để thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị. Đối với nội bộ, Petrolimex Hà Tĩnh tập trung vào việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, ứng xử với nhau dựa trên sự tin cậy, đoàn kết, hợp tác; coi trọng việc sáng tạo, khuyến khích nhân viên tìm kiếm các phương pháp mới để nâng cao hiệu quả công việc… Đối với khách hàng, chúng tôi chú trọng về chất lượng và dịch vụ để mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng; đào tạo nhân viên để giao tiếp một cách thân thiện, chuyên nghiệp và tôn trọng khách hàng; triển khai quy trình bán hàng 5 bước, đảm bảo các giao dịch và hoạt động kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức; thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng để cải tiến sản phẩm và dịch vụ”.

… và chú trọng về chất lượng, dịch vụ để mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Là doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động theo mô hình “công ty mẹ – công ty con” với 14 đơn vị trực thuộc, gần 1.000 lao động, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đặc biệt chú trọng vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp để vận hành tốt hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Ông Nguyễn Anh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Mitraco Hà Tĩnh cho biết: Từ khi thành lập Mitraco đến nay, các thế hệ lãnh đạo luôn quan tâm đến văn hóa kinh doanh, quy tắc ứng xử trong nội bộ và với khách hàng. Từ năm 2015, Tổng Công ty ban hành “Bộ quy tắc ứng xử Mitraco” nhằm đề cao tính tuân thủ của cán bộ, người lao động đối với hoạt động doanh nghiệp. Để phù hợp với bối cảnh chung và tình hình đơn vị, Tổng Công ty đã 2 lần chỉnh sửa, bổ sung bộ quy tắc và thường xuyên cụ thể hóa bằng các văn bản, quán triệt, nhắc nhở việc thực hiện. Bộ quy tắc quy định rõ việc phân cấp phân quyền, công việc của từng trường hợp lễ nghi khánh tiết, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa người lao động với nhau, kỹ năng ứng xử chuẩn mực, văn minh khi giải quyết các tình huống… Với đối tác, Mitraco coi trọng chữ tín với mục tiêu là hợp tác kinh doanh để cùng tạo ra giá trị cao nhất cho các bên. Ngoài ra, Mitraco cũng thường xuyên tham vấn ý kiến phản hồi từ phía khách hàng để có sự điều chỉnh phù hợp, từ đó có cách giải quyết công việc tốt hơn, củng cố niềm tin với khách hàng”.

Mitraco Hà Tĩnh tổ chức gặp mặt tân sinh viên là con em của người lao động trong đơn vị.

Văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng của mỗi đơn vị, là nguồn lực vô hình, sức mạnh mềm để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất – kinh doanh. Vậy nên, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước.

Tạo môi trường làm việc có văn hóa tích cực giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài, tăng tính sáng tạo của người lao động.

Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng chú trọng xây dựng môi trường làm việc có văn hóa tích cực, thân thiện, minh bạch, tiêu biểu như: Công ty Điện lực Hà Tĩnh, VNPT Hà Tĩnh, Công ty CP Dược Hà Tĩnh, Công ty CP Phát triển Công nghiệp – xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh, khối các ngân hàng đóng trên địa bàn…

Ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh nhận định: “Văn hóa doanh nghiệp được coi là tài sản tinh thần giúp tạo dựng thương hiệu, thu hút nhân tài, giữ chân lao động, tăng tính sáng tạo của người lao động, phát triển tốt mối quan hệ với khách hàng, đối tác… Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là quá trình xuyên suốt, song hành cùng sự phát triển của các đơn vị. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công, vai trò của người lãnh đạo trong công tác nêu gương, “truyền lửa” đến người lao động rất quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với các giá trị truyền thống của dân tộc sẽ tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh”.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt là nền tảng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thương hiệu và uy tín cho doanh nghiệp.

Theo Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã ban hành tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và lựa chọn các khẩu hiệu hành động dễ nhớ, dễ thực hiện; quan tâm xây dựng, hoàn thiện quy chế văn hóa doanh nghiệp và tổ chức thực hiện thông suốt, hiệu quả. Các đơn vị khối doanh nghiệp đã tập trung lãnh đạo cán bộ, người lao động ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín trong hoạt động; thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng theo tiêu chuẩn 5S. Nhìn chung, môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp lành mạnh; người lao động tại hầu hết đơn vị đã xác định được sự cần thiết phải nâng cao trách nhiệm, xây dựng tác phong, lề lối làm việc văn minh, thân thiện.

Baohatinh.vn