Sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao: Khi thị trường rộng mở

admin
02/09/14
0
Vào thời điểm này, các địa phương đang “chạy nước rút” chuẩn bị xuống giống rau, củ, quả công nghệ cao trên cát và bãi bồi, ven sông vụ thu đông 2014. Sau 2 vụ sản xuất thành công, năm nay, diện tích được mở rộng gần 200 ha. Diện tích sản xuất vụ này đã tăng 10 lần so với giai đoạn đầu, đòi hỏi các nhà chuyên môn, nhà đầu tư phải căn cơ một cách chuẩn xác quy trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm…
Bắt đầu từ 2 “ông lớn”…
Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) được xem là “anh cả” trong việc thực hiện dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát ven biển tại Hà Tĩnh. Sau 2 vụ sản xuất, hơn 10 ha vùng dự án liên tục phủ màu xanh kể cả những ngày hè cát nóng như chảo lửa. “Lọc cát lấy vàng”, hàng chục loại giống vừa thử nghiệm, vừa sản xuất đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và khẳng định khả năng thích ứng tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như: củ cải trắng, cải bẹ, cà rốt, cà chua… Và, trên vùng cát trắng mênh mông này, Trung tâm sản xuất, ứng dụng, chuyển giao rau, củ, quả Mitraco được xây dựng, trở thành cơ quan đầu não trong cung ứng giống, kỹ thuật, vật tư và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng sản xuất.
Ông Nguyễn Đức Thục – Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Mitraco cho biết: “Thông qua hợp đồng, Tổng Công ty sẽ ký liên kết sản xuất theo nhu cầu thị trường với các địa phương. Hiện nay, chúng tôi đã làm việc với đối tác, Công ty TNHH Fineton sẵn sàng cung ứng đủ giống cho vùng sản xuất. Đồng thời, thống nhất hợp đồng, sau khi các địa phương “chốt” diện tích và loại giống, công ty sẽ chuyển giống về, đảm bảo kịp thời vụ”. Được biết, Mitraco sẽ tiến hành ký kết chính thức liên kết sản xuất với một số vùng sản xuất trong tỉnh.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư phát triển công thương Miền Trung lại giữ vai trò “chủ công” trong việc kết nối, tìm kiếm thị trường. Có thể nói, sự kiện ký kết hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được truy xuất nguồn gốc với 2 đối tác Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt và Công ty CP Cộng đồng Green Food Hà Nội là thành công mang tính bước ngoặt của “ông lớn” này về lĩnh vực SXKD các mặt hàng nông sản. Lần đầu tiên, sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, từ vùng sản xuất đến hệ thống tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển công thương Miền Trung cho biết: “Trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ là khâu khó khăn nhất. Tham gia liên kết chuỗi, người nông dân trở thành “mắt xích” quan trọng để cấu thành một sản phẩm hoàn thiện và hoàn toàn chủ động với quy trình sản xuất của mình. Trước mắt, qua cầu nối là công ty, các đối tác sẽ nhận thu mua tất cả các mặt hàng nông sản sản xuất trên địa bàn. Riêng rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát ven biển và bãi bồi, ven sông, công ty có khả năng thu mua sản phẩm trên diện tích 50 ha”.
Vùng sản xuất “chạy nước rút”…
Mặt hàng rau, củ, quả sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ được Công ty CP Đầu tư phát triển công thương Miền Trung kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
HTX Dùng nước & Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) bước vào năm thứ 2 sản xuất rau, củ, quả trên cát với bài học quý giá về “mất mùa sau thu hoạch” ở vụ xuân 2014. Do không chủ động quy trình tiêu thụ, đến vụ thu hoạch, người sản xuất loay hoay tìm nơi bán, còn doanh nghiệp lại bị động kế hoạch thu mua. Kết quả, 70% sản lượng củ cải bị trổ ngồng, tiền thu về vừa đủ trả công cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Đồng – Chủ nhiệm HTX chia sẻ: “Có thất bại mới trưởng thành hơn, bây giờ, các xã viên và công nhân đều nắm rõ quy trình sản xuất trên cát. Vụ thu đông này, chúng tôi mở rộng sản xuất 6,5 ha, gấp đôi diện tích vụ trước. Cách đây gần 1 tuần, chúng tôi đã hoàn tất san lấp mặt bằng và lắp đặt một số công trình phụ trợ, chỉ chờ ngày ký hợp đồng liên kết với Mitraco là có thể xuống giống sản xuất”. Dù còn không ít khó khăn nhưng trên gương mặt vị chủ nhiệm HTX đầy tâm huyết này hiện rõ niềm tin như “đinh đóng cột” là dự án sẽ đi đến thành công. Theo ông, lo nhất là tiêu thụ thì đã có doanh nghiệp, quy trình kỹ thuật cũng có lực lượng cán bộ thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn, người sản xuất cứ thế mà “thuần hóa” thiên nhiên.
Củ cải trắng là một trong những loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao nhất vụ xuân 2014.
Người nông dân vững tin vào vụ mới là hoàn toàn có cơ sở. Từ ngày đặt dấu tích khai phá vùng đất hoang hóa, dự án đã nhận được sự hậu thuẫn, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị. Vụ thu đông năm nay, Nhà nước tiếp tục là “bà đỡ” cho người sản xuất khi hệ thống chính sách gần như không thay đổi so với giai đoạn đầu. Quan trọng hơn, Nhà nước nắm chủ trì chỉ đạo, định hướng trong suốt quá trình sản xuất. Ông Đặng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Hiện nay, trên 160 ha đất đã được giao cho các chủ sản xuất, trong đó có 100 ha đã triển khai san lấp mặt bằng và các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, động lực chính của dự án là thị trường, do đó, các chủ sản xuất một mặt phải thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc liên kết chuỗi, mặt khác, phải ràng buộc với đối tác ngay từ đầu vụ bằng hình thức ký kết hợp đồng, nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững”.
Những triền cát kéo dài đang thức dậy trong tiếng máy ủi rầm rù đào bới, san lấp. Từng vùng sản xuất đang rõ vóc dáng với hệ thống hàng rào, công trình phụ trợ và những bãi đất phẳng lì đang được lên luống chờ xuống giống những hạt mầm mới. Vụ rau thu đông công nghệ cao trên cát đang bắt đầu…
baohatinh.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỗ tổ vua Hùng tháng mấy?