Chung tay góp sức nâng tầm vị thế tỉnh nhà

admin
13/10/12
0
Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh còn quá non trẻ nhưng lại gánh lên vai một trọng trách khá lớn. Kỳ vọng một bước đột phá nhanh là rất khó, nhưng những mục tiêu cụ thể trong những năm tới Hiệp hội đặt ra khiến nhiều DN tin rằng sau họ đã có một điểm tựa vững chắc. Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Tĩnh Dương Tất Thắng chia sẻ một cách thẳng thắn với PV Hà Tĩnh Online nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 về những công việc trước mắt cũng như kế hoạch dài hơi của Hiệp hội.
Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá xăng dầu liên tục thay đổi trong khi hàng hóa sản xuất ra bị ứ đọng khá nhiều. Các DN đã làm gì để thích nghi với hoàn cảnh đó?
Khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung, lạm phát trong nước nói riêng tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn và Hà Tĩnh không nằm ngoài quỹ đạo đó. Tất nhiên, bằng nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo tỉnh phần nào đã cải thiện được tình hình nhờ thu hút đầu tư và nhờ vào chính sách hỗ trợ nên DN Hà Tĩnh có phần dễ “thở” hơn. Trong cán cân lực lượng thì các DN làm dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn, nhất là các DN XDCB vì vậy giá điện, xăng dầu và VLXD, nhất là xi măng tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của DN. Hợp đồng đã được ký kết từ trước do vậy chờ đợi điều chỉnh giá là điều mơ hồ. Khủng hoảng kinh tế kéo dài gây nên một phản ứng dây chuyền đối với các DN mà dù ít hay nhiều đều có tác động xấu như một điều tất yếu.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh Dương Tất Thắng
Nếu tính lượng hàng tồn kho thì Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại khoảng 250 tỷ đồng. Đây là một con số khổng lồ và chưa từng có trong tiền lệ. Lượng hàng hóa tồn đọng của các DN khác trong tỉnh cũng khá lớn với hơn 100 tỷ đồng. Điều này gây rất nhiều khó khăn bởi hầu hết nguồn vốn của các DN là vốn vay. Nhưng rồi các DN cũng buộc phải thích nghi theo kiểu “sống chung với lũ”. Theo đó, một số DN buộc phải cắt giảm công suất sản xuất; tiết kiệm tối đa các chi phí không cần thiết. Rồi hạ giá thành sản phẩm; mở rộng thị trường trong và ngoài vào.
Ở các thành phố như: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì ngân sách lớn và họ có thể bảo lãnh cho một số DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta nghèo nhưng hiếm có địa phương nào lại bỏ ra gần 5 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp một số DN như mới đây. Còn trước đó hỗ trợ lãi suất sau đầu tư với một khoản tiền khá lớn thì điều đó cũng thể hiện tỉnh đặc biệt chú trọng và quan tâm đến lực lượng đầu tàu của nền kinh tế tỉnh nhà.
Hàng năm tỉnh đã dành cả tháng “Vì sự phát triển DN”, Hiệp hội với tư cách chủ thể đã làm được những gì hướng tới ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, thưa ông?
Các hoạt động của Hiệp hội cũng nằm trong chương trình của tỉnh. Chúng tôi đã dành khá nhiều công sức và thời gian để phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông trong đội ngũ DN nhằm khơi dậy không khí thi đua sôi nổi, tạo thêm niềm tin và cảm hứng để vượt qua mọi trở ngại. Đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư tổ chức lễ tôn vinh DN, doanh nhân tiêu biểu. Trong tháng 10 sẽ hoàn thành việc thành lập 13 Hội DN, trong đó có 11 huyện, thị và 2 hội thuộc khu kinh tế.
Hiệp hội doanh nghiệp sẽ làm cầu nối, giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư cũng như tiêu thụ sản phẩm
Hiệp hội sẽ tiến hành gặp gỡ, giao lưu với các hội huyện thị, thành phố và khu kinh tế để tìm hiểu và chia sẻ với các hội thành viên. Trên cơ sở đó, tiến hành hợp tác, liên doanh liên kết; gắn kết các thành viên với nhau. Đồng thời phối hợp và bàn bạc với các tổ chức hội trong các hoạt động an sinh xã hội; thăm hỏi, động viên các hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, cô đơn không nơi nương tựa.
Vì còn quá non trẻ nên vai trò của Hiệp hội vẫn chưa thực sự rõ nét. Chúng tôi mới chỉ tiến hành liên doanh liên kết tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư cũng như tiêu thụ sản phẩm; kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước có các giải pháp giúp đỡ theo từng nhóm ngành nghề.
Nhiệm kỳ 2012-2017, Hiệp hội có rất nhiều dự định, mục tiêu hướng tới nhằm tạo thành điểm tựa cho các DN hội viên. Vậy đó là những vấn đề gì và yếu tố nào được coi là then chốt?
Nhiệm kỳ 2012-2017, sẽ có thêm 3.500 DN mới, nâng tổng số DN trên địa bàn tỉnh lên 7.000 DN, có trên 5.000 hội viên tham gia hiệp hội, trong đó có 10-15% hội viên nữ; đồng thời tạo việc làm mới cho trên 30.000 lao động; đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Nhìn vào các con số có thể nói là tham vọng hơi nhiều, nhưng trong xu hướng kinh tế hội nhập, đó là điều cần thiết. Trong năm nay, nhiệm vụ đặt ra không nhiều nhưng cũng không phải là ít. Đó là ổn định trú sở văn phòng nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch với các tổ chức trong và ngoài nước. Rồi xây dựng quy chế quản lý điều hành; thành lập các phòng ban chuyên môn phục vụ các hoạt động của hiệp hội; tổ chức phát triển hội viên và xây dựng các mối liên doanh liên kết.
Năm 2013 và những năm tiếp theo Hiệp hội sẽ tập trung cao độ vào việc tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh, HTX có đủ điều kiện thành lập DN nhỏ và vừa; tập trung hỗ trợ các DN có điều kiện liên doanh liên kết để tăng cường nguồn vốn, nguồn nhân lực, phát triển công nghệ tiên tiến và mở rộng thị trường. Trên cơ sở đó hình thành các tập đoàn, tổng công ty lớn có năng lực SXKD mạnh theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề. Khó. Nhưng chúng tôi coi đây là điểm then chốt nhằm tạo cú hích trong thu hút đầu tư cũng như đối tác chiến lược cạnh tranh với các DN lớn khác ngoài tỉnh.
Cùng đó, Hiệp hội sẽ thực hiện vai trò cầu nối giữa DN, doanh nhân với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý chức năng có liên quan tiến hành các cuộc gặp gỡ đối thoại để kịp thời phản ánh kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung các chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho DN cũng như hoạt động của Hiệp hội DN. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ DN hội viên tiếp cận, lựa chọn các nguồn vốn tín dụng phù hợp; hợp tác với các chuyên gia có kinh nghiệm tổ chức tập huấn cho các DN kỹ năng lập dự án đầu tư và các thủ tục cần thiết khi vay vốn. Đồng thời mời các chuyên gia kinh tế cao cấp trung ương về làm công tác tư vấn, hướng dẫn giúp hội viên nắm bắt tình hình kinh tế trong nước, quốc tế; nâng cao kiến thức quản lý và định hướng xây dựng phát triển chiến lược SXKD dài hạn.
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ phối hợp với VCCI (Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam) xây dựng các mô hình hợp tác công tư; phối hợp với các sở, ban ngành trong các hoạt động có liên quan đến hỗ trợ DN như xúc tiến thương mại, khuyến công; mở rộng các lớp đào tạo để tăng thu ngân sách cho hoạt động của hiệp hội; tổ chức các kỳ sinh hoạt chuyên đề để cung cấp thông tin kinh tế, nghiệp vụ quản lý DN phù hợp với yêu cầu của DN trong tỉnh.
Nhiệm vụ trong thời gian tới là khá nặng nề và chặng đường phía trước vẫn còn dài, vì vậy để đạt được mục tiêu này, ngay từ bây giờ các DN cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với “mái nhà chung” là Hiệp hội để từ đó cùng nhau đoàn kết hỗ trợ trong quá trình SXKD. Đồng thời rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành liên quan.
Xin cảm ơn ông!
Theo baohatinh.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *