Doanh nhân Lê Viết Thảo: ‘Chảy máu chất xám là điều cấm kỵ của doanh nghiệp’

admin
13/10/21
0
“Tôi quan niệm, chảy máu chất xám là điều cấm kỵ của doanh nghiệp. Nếu cắt giảm lao động hay giảm lương là doanh nghiệp đang tự cắt năng lực sống còn của chính doanh nghiệp. Bởi khi tình hình dịch được kiểm soát, cơ hội đến thì doanh nghiệp lại không có lao động để sản xuất. Khi đó chi phí về thời gian đào tạo sẽ lâu hơn, hiệu quả công việc giảm sút rất lớn”, doanh nhân Lê Viết Thảo chia sẻ với VietnamFinance nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Tổng giám đốc công ty Mitraco Lê Viết Thảo
– Đại dịch Covid-19 được xem như cơn cuồng phong cuốn đi nhiều những thành quả mà các doanh nghiệp đã gây dựng bao lâu nay, Mitraco có bị cuốn vào vòng xoáy này không, thưa ông?
Ông Lê Viết Thảo: Mitraco hiện là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực tại Hà Tĩnh với 12 công ty thành viên. Cũng là doanh nghiệp nên trong 2 năm qua, Mitraco không thể tránh khỏi hậu quả nặng nề gây ra bởi dịch Covid -19.
Hoạt động xuất nhập khẩu khoáng sản tại Lào của công ty bị ảnh hưởng nhiều bởi các loại thuế, phí, giá thành sản xuất ở mức cao. Chưa kể, hàng hóa khi về đến cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) phải qua khâu trung chuyển để phòng chống dịch nên thời gian vận chuyển lâu hơn, khối lượng giảm nhưng chi phí lại tăng.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng nên chi phí hóa chất, trang thiết bị và nhân lực phòng dịch tăng. Trong khi từ nay đến cuối năm, thị trường tiêu thụ trong các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cũng như các tỉnh miền Nam đóng băng, đang phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch Covid-19 có giảm sút hay không.
– Hiện Mitraco đã có những giải pháp gì để ổn định sản xuất trong thời kỳ đại dịch?
Đứng trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, điều quan trọng lúc này là phải dự báo được tình hình để xây dựng các giải pháp giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và đón nhận cơ hội cho doanh nghiệp.
Bước vào giai đoạn sản xuất khi tình hình dịch chưa được kiểm soát, Mitraco thực hiện kế hoạch lùi bước để ổn định sản xuất. Có thể, sản lượng kinh doanh tiêu thụ giảm mạnh nhưng sản phẩm phải luôn sẵn sàng. Các chuỗi cung ứng phải duy trì để khi các thị trường tiêu thụ quay lại sau dịch thì Mitraco sẽ hưởng lợi từ chính trong vùng nguy cơ đó.
Thay vì ngồi suy nghĩ nên làm gì để bán được hàng lúc này, hay làm thế nào để vận chuyển hàng hóa nhanh hơn thì chúng tôi vẫn duy trì sản xuất, cân đối tài chính, giải ngân, nhập nguyên liệu. Khi thị trường tiêu thụ quay lại tình trạng bình thường mới thì doanh nghiệp sẽ chớp lấy thời cơ, có đủ hàng hóa để cung ứng ra thị trường.

Mitraco trao thưởng cho các công ty thành viên đạt kết quả sản xuất kinh doanh vượt chỉ tiêu đề ra
– Đời sống của người lao động có bị ảnh hưởng không, thưa ông?
Để thực hiện hóa các kế hoạch trên thì vấn đề đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động trong mùa dịch là chiến lược ưu tiên hàng đầu của Mitraco lúc này.
Tôi quan niệm, chảy máu chất xám là điều cấm kỵ của doanh nghiệp. Nếu cắt giảm lao động hay giảm lương là doanh nghiệp đang tự cắt năng lực sống còn của chính doanh nghiệp. Bởi khi tình hình dịch được kiểm soát, cơ hội đến thì doanh nghiệp lại không có lao động để sản xuất. Khi đó chi phí về thời gian đào tạo sẽ lâu hơn, hiệu quả công việc giảm sút rất lớn.
Trong lúc đại dịch đang hoành hành, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm rất nhiều chi phí, tuy nhiên quỹ lương cho người lao động lúc nào cũng phải đầy đủ, thậm chí tăng thêm, chế độ phúc lợi của người lao động phải luôn được đảm bảo.
Ngoài ra, trong thời kỳ dịch bệnh, người lao động ở các công ty con bị ảnh hưởng nặng nề sẽ được Mitraco hỗ trợ hỗ trợ chi phí ăn, ở khi làm việc tại công ty nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh và duy trì việc làm tăng thu nhập.
– Theo ông, điều doanh nghiệp đang cần hiện nay là gì để hoạt động trong trạng thái “bình thường mới’?
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện trên tất cả các hoạt động kinh doanh của Mitraco như khai thác dịch vụ cảng biển, thạch cao tại Lào, dịch vụ thương mại, khách sạn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc còn chịu ảnh hưởng của dịch tả Châu Phi kéo dài, thị trường nhiều biến động về giá gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp.
Theo tôi, trước hết, cơ quan quản lý cần đánh giá thực trạng “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 như về tài chính, thị trường, mô hình quản trị, năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng, những khó khăn sắp tới tới trên từng lĩnh vực. Từ đó, đưa ra các giải pháp hỗ trợ và định hướng phát triển cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, nghiên cứu xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh tiềm năng mới, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đổi mới mô hình kinh doanh, tận dụng lợi thế kinh doanh sau đại dịch Covid-19, phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Cần thành lập tổ khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể để có thêm dữ liệu xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, sát với thực tiễn.
Mặc dù Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như vay vốn, chính sách thuế, lãi suất, đất đai… nhưng sự hấp thụ chính sách, tiếp cận và thực thi các chính sách vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập bởi những ràng buộc, yêu cầu mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được.
Các tổ chức tín dụng cần linh hoạt trong hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận, giải ngân được nguồn vốn phục vụ cho đầu tư mở rộng, hoặc duy trì sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo https://vietnamfinance.vn/

Bài viết cùng chủ đề: