Khu kinh tế Vũng Áng – điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư

admin
27/08/12
0
Sau 6 năm thành lập, đến nay tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng đã có 103 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký gần 12 tỷ USD. Một số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả; một số công trình, dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ… Đó là kết quả hội tụ từ tiềm năng, lợi thế của Vũng Áng, cơ chế chính sách mở rộng của tỉnh và sự năng động, nhạy bén của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát huy tối đa lợi thế
“Điều kiện tự nhiên lý tưởng, cơ chế chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, GPMB nhanh gọn… là những yếu tố cần và đủ cho các nhà đầu tư nói chung và chúng tôi nói riêng khi đặt chân vào KKT Vũng Áng. Với vị thế 3 bề là núi, một mặt giáp biển, Tổng kho xăng dầu Vũng Áng có vị trí thuận lợi đối với việc dự trữ, xuất, nhập xăng dầu – loại năng lượng không thể thiếu đối với ngành hàng hải cũng như công nghiệp nặng đang phát triển ở Vũng Áng” – ông Đinh Hồng Long – Chủ tịch HĐQT Công ty CP xăng dầu, dầu khí Vũng Áng bắt đầu câu chuyện về những lý do đặc biệt mà đơn vị chọn Vũng Áng làm điểm đến.
Hệ thống cầu cảng của Tổng kho xăng dầu Vũng Áng có thể tiếp nhận tàu 15.000 DWT
Tổng kho xăng dầu là một trong 3 dự án lớn (cùng với Nhiệt điện Vũng Áng 1, Kho khí hóa lỏng) được Tập đoàn Dầu khí đầu tư tại KKT Vũng Áng. Với sức chứa 60.000 m3 và cầu cảng có thể tiếp nhận tàu 15.000 DWT, Tổng kho xăng dầu Vũng Áng có vị trí địa lý hết sức thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa từ các tuyến giao thông tại khu vực Bắc Trung bộ và vùng phụ cận. Nắm bắt những điều kiện thuận lợi đó, năm 2010, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã mua lại hệ thống SHELL Lào với quy mô 5 kho chứa, 72 cửa hàng xăng dầu được phân bổ đều trên 11 tỉnh, thành phố của đất nước Lào. Điều đó đã mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng cho PV Oil Vũng Áng trong lĩnh vực tồn chứa, vận chuyển và kinh doanh xăng dầu theo hình thức tạm nhập tái xuất. Ông Đinh Hồng Long cho biết: “Những điều kiện kinh doanh lý tưởng trên là đòn bẩy để Công ty CP xăng dầu, dầu khí Vũng Áng có tốc độ phát triển nhanh so với các tổng kho của PV Oil. Chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, Tổng kho xăng dầu Vũng Áng đã có doanh thu gần 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 38 tỷ đồng, thu nhập người lao động 6,3 triệu đồng và nộp ngân sách nhà nước 111 tỷ đồng”.
Từ những lợi thế riêng có của KKT Vũng Áng, Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào cũng xác định Vũng Áng là lợi thế cạnh tranh với các hệ thống cảng biển khác trong khu vực. Đặc biệt trong việc vận chuyển hàng hóa từ Lào và Thái Lan sang nước thứ 3. “Lợi thế này đã và đang được đơn vị khai thác triệt để” – ông Dương Thế Cường – Giám đốc Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào cho biết. Tháng 5 vừa qua, Công ty Khoáng sản Phu Bia (Lào) đã tập kết hàng (quặng đồng) về cảng Vũng Áng và đã xuất “mở hàng” chuyến đầu tiên (20.000 tấn). Sau lô hàng quá cảnh đầu tiên này, các doanh nghiệp nước ngoài và nước bạn Lào đang tiếp tục thí điểm xuất quá cảnh một số lượng lớn quặng đồng và muối kali sang Australia và Trung Quốc; đồng thời nhập quá cảnh than đá từ Indonesia qua cảng Vũng Áng.
Nếu triển khai đúng kế hoạch mà các doanh nghiệp đã cam kết, thì từ năm 2015 trở đi, không kể lượng hàng hóa của cảng Sơn Dương, chỉ tính riêng tổng số hàng hóa qua cảng Vũng Áng đã đạt khoảng 10 triệu tấn/năm, trong đó: 2-3 triệu tấn hàng tổng hợp của KKT Vũng Áng, của khu vực cùng 3 triệu tấn than/năm nhập từ nước ngoài cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và 3 triệu tấn hàng quá cảnh của nước bạn Lào…
Có thể nói, khơi mào cho làn sóng đầu tư vào Vũng Áng phải kể đến dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương FORMOSA Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư lên đến 7,9 tỷ USD (giai đoạn 1). Sau 4 tháng kể từ ngày được tỉnh Hà Tĩnh bàn giao hơn 2.000 ha mặt bằng (1/10/2010), Tập đoàn FORMOSA (Đài Loan) đã huy động nhân lực, phương tiện máy móc tích cực triển khai các hạng mục của dự án, tuân thủ tiến độ như đã cam kết. “Với tư cách là nhà đầu tư lớn trong KKT, chúng tôi thấy phải có trách nhiệm triển khai dự án trong thời gian nhanh nhất để không phụ lòng nhân dân Hà Tĩnh” – ông Ngưu Tấn Phát – Giám đốc phụ trách dự án FORMOSA tại Hà Tĩnh khẳng định.
Trên công trường xây dựng dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương FORMOSA Hà Tĩnh
Theo kế hoạch và tiến độ của FORMOSA, tháng 12/2012, hệ thống cầu cảng Sơn Dương sẽ được đưa vào vận hành và tháng 6/2014, lò cao số 1 của nhà máy luyện cán thép sẽ đi vào hoạt động. Khi đi vào hoạt động, khu liên hợp gang thép trở thành một trong những liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp khoảng 7,5 triệu tấn thép mỗi năm, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động. Trong giai đoạn 2, nhà đầu tư FORMOSA dự kiến sẽ đầu tư thêm hơn 8 tỷ USD để nâng công suất nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, Tập đoàn FORMOSA đã đầu tư xây dựng bến chuyên dụng của hệ thống cảng Sơn Dương – Vũng Áng có thể tiếp nhận tàu tải trọng 20-30 vạn tấn; bến cảng tổng hợp container tiếp nhận tàu 30 – 50 vạn tấn. Dự báo, lượng hàng qua cảng Vũng Áng – Sơn Dương năm 2015 là 50-60 triệu tấn/năm, năm 2020 là 95-100 triệu tấn/năm và đến năm 2030 là 125-140 triệu tấn/năm.
Cùng với dự án đầu tư FDI lớn nhất nước đang khẩn trương triển khai, thì một dự án khác về nhiệt điện vào loại lớn nhất nước tại KKT Vũng Áng – Nhiệt điện Vũng Áng 1 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Kể từ ngày khoan cọc nhồi đầu tiên (1/12/2010) đến nay, các nhà thầu đã thi công hơn 100 hạng mục quan trọng như: lò hơi số 1, lắp đặt stator máy phát, tuốc bin, máy biến áp, sân phân phối điện, nhà điều khiển trung tâm, hầm tuynel, kênh dẫn nước… Trên công trường thường xuyên có 5.000 kỹ sư, chuyên gia, công nhân làm việc 24/24h, phấn đấu đốt lò, khởi động tổ máy số 1 vào đầu năm 2013.
Thu hút đầu tư bằng cơ chế, chính sách thông thoáng
Theo ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng BQL KKT Vũng Áng, việc nhiều nhà đầu tư vào KKT Vũng Áng không chỉ do nơi đây có lợi thế về tự nhiên, địa lý mà còn từ các cơ chế, chính sách thông thoáng của tỉnh. Theo đó, các dự án đầu tư vào KKT Vũng Áng được hưởng các ưu đãi đặc biệt, như được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động sản xuất,
kinh doanh; được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu 5 năm đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được… Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai (áp dụng một giá thuê đất chung, giá thuê thấp, thời gian thuê dài, miễn tiền sử dụng đất đối với các dự án ngoài hàng rào của khu chức năng và đất xây dựng nhà ở cho người lao động…).
Nhận thức rõ công tác cải cách hành chính là một trong những khâu quan trọng, có tính đột phá để phát triển KKT Vũng Áng ngày một lớn mạnh, BQL KKT thường xuyên quan tâm đẩy mạnh thực hiện toàn diện trên 6 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính; chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là huyện Kỳ Anh và các xã thực hiện dự án, công tác bồi thường tái định cư, GPMB cho các dự án thuộc KKT Vũng Áng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều địa phương trong nước đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, thành công này đã tạo được sự lan tỏa trong công tác thu hút đầu tư của Hà Tĩnh thời gian tới.
baohatinh.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỗ tổ vua Hùng tháng mấy?