Liên kết để sản xuất bền vững, đó là nhu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, “chất kết dính” của mối quan hệ này nếu chỉ tồn tại ở việc sản xuất – tiêu thụ thì rất dễ dẫn đến hệ quả “nửa đường đứt gánh”…
Mỗi năm, Hà Tĩnh tiêu thụ khoảng 300.000 tấn ngô, trong khi đó, sản lượng chỉ đạt trên dưới 20.000 tấn. Để đánh thức những “tấc vàng” vụ đông, năm 2014, UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Giống và Vật tư nông nghiệp Mitraco (Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh) xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất ngô nguyên liệu. Sự tham gia của doanh nghiệp (DN) đầu kéo này được kỳ vọng sẽ “mở đường” cho các địa phương phát huy lợi thế, phát triển ngô chuyên canh, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính…
Vụ đông 2014, Đức Thọ có 100 ha ngô liên kết với doanh nghiệp.
Đột phá từ Hương Khê
Với lợi thế bãi bồi ven sông Ngàn Sâu, hàng năm, bà con Hương Khê sản xuất trên 1.500 ha cây trồng vụ đông các loại. Riêng ngô đông luôn ổn định với 1.000 ha, chia thành 2 trà chính: chính vụ và đông muộn. Vụ đông 2014, thay vì sản xuất truyền thống, huyện chủ trương “bắt tay” với Công ty TNHH MTV Giống và Vật tư nông nghiệp Mitraco thực hiện đề án liên kết sản xuất ngô nguyên liệu. Mô hình này được thực hiện trên 12 xã với 1.500 ha (gồm trà đông muộn 800 ha, xuân sớm 700 ha) và cung ứng cho nhà đầu tư 7.000 tấn ngô hạt vào cuối vụ. Đây được xem là mô hình liên kết có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trong vụ đông. Sự táo bạo này được đa số bà con nông dân ủng hộ.
Ông Đinh Công Chiến – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Hương Đô cho biết: “Hằng năm, HTX chỉ sản xuất khoảng 30-40 ha ngô đông, chủ yếu phục vụ chăn nuôi. Diện tích còn lại, bà con trồng lạc, nhưng từ năm ngoái, lạc mất giá nên rất lo lắng. Vì vậy, khi có chủ trương liên kết, chúng tôi đã chuyển toàn bộ diện tích lạc sang trồng ngô. Vụ đông năm nay, chúng tôi sản xuất 50 ha ngô và hợp đồng cung ứng toàn bộ sản phẩm cho DN”.
Phải nói rằng, Hương Khê đã tạo bước đột phá trong tiến trình phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị. Nhà nước làm “bà đỡ”, DN làm “đầu kéo” sẽ tạo tâm lý vững vàng cho bà con nông dân mở rộng sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng hàng năm khác, đặc biệt là ngô chuyên canh.
Ông Ngô Xuân Ninh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện nay, các HTX, tổ hợp tác đã hoàn tất ký kết hợp đồng với công ty sản xuất trà ngô đầu tiên. Theo kế hoạch, trà đông muộn sẽ xuống giống vào 20/11 tới, bằng việc áp dụng tiến bộ KHKT về quy trình, giống của DN, năng suất ngô chuyên canh của huyện sẽ tăng từ 40 tạ/ha lên 70 tạ/ha so với trước đây”.
Thời của liên kết sản xuất
Có lẽ chưa bao giờ vấn đề liên kết sản xuất lại “nóng” như bây giờ. Nông dân đến với DN để tìm chỗ dựa cho sản phẩm của mình, còn DN trong thời đại cạnh tranh khốc liệt cũng muốn tìm kiếm vùng nguyên liệu có khối lượng lớn và đảm bảo chất lượng. Đó là lý do họ gặp gỡ nhau. Từ những năm trước, một số mô hình liên kết nổi lên, thường là những “ông chủ lớn” đặt vấn đề cung ứng giống, phân bón/thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bây giờ, người sản xuất cũng có thể tự tìm bạn hàng và tất nhiên, trong khi nhu cầu tăng cao thì nhà đầu tư cũng không cần phải là “đại gia”, miễn hai bên cùng có lợi.
Người dân Sơn Mỹ (Hương Sơn) triển khai trồng ngô vụ đông. (Ảnh tư liệu)
Ông Phan Văn Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc cho biết: “Trên cơ sở lựa chọn các xã có truyền thống, tư duy sản xuất hàng hóa trong vụ đông làm nền tảng để xây dựng các mô hình điểm, huyện nỗ lực kết nối các DN với người sản xuất. Đến nay, ngoài 300 ha ngô liên kết giữa Công ty TNHH MTV Giống và Vật tư nông nghiệp Mitraco, huyện còn chủ động tiếp cận các DN ở Nghệ An để trồng gấc, ớt và bí đỏ”. Theo ông Cường, quan điểm xuyên suốt của huyện là trên cơ sở thực tiễn và sự trao đổi, thỏa thuận giữa DN, người dân sẽ quyết định hình thức và quy mô liên kết. Chính quyền các cấp đóng vai trò tham gia chỉ đạo, hỗ trợ về KHKT và tiếp sức bằng các chính sách khuyến khích với tổng số tiền 540 triệu đồng.
Còn ở Đức Thọ, mô hình liên kết không còn xa lạ với người dân. Thậm chí, HTX có thể liên kết sản xuất với nông dân nếu có nhu cầu. Đối với Công ty TNHH MTV Giống và Vật tư nông nghiệp Mitraco, bạn hàng chiến lược đã từng tham gia liên kết sản xuất 1.000 ha giống lúa vụ đông, năm nay, Đức Thọ mở rộng kết nối sang ngô với 100 ha vùng thượng.
Liên kết để sản xuất bền vững, đó là nhu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Ngoài lợi ích hai bên nhận được, xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và DN. Tuy nhiên, “chất kết dính” của mối quan hệ này nếu chỉ tồn tại ở việc sản xuất – tiêu thụ thì rất dễ dẫn đến hệ quả “nửa đường đứt gánh”…
baohatinh.vn
Xem thêm:
- Giải trình kết quả kinh doanh quý 1 năm 2023 thay đổi hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
- Công bố thông tin trong 24 giờ về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH đối với ông Trương Hữu Trung
- 2 tháng đầu năm 2021 Mitraco tiếp tục đạt kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng
- Tuổi trẻ Mitraco chung sắc xanh tình nguyện tại tỉnh Khăm Muồn nước CHDCND Lào
- Hươu sao khẳng định thương hiệu