Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 61/2003/QĐ-TTg ngày 18/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, vì vậy ngoài việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn của công ty mẹ thì việc quản lý nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác là hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động SXKD của Tổng công ty.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý phần vốn của Tổng công ty tại doanh nghiệp khác, Hội đồng quản trị Tổng công ty đã ban hành Quy chế quản lý phần vốn của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh tại doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin nêu lên một số vấn đề về vai trò của người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại doanh nghiệp.
Người đại diện phần vốn của Tổng công ty có thể là nhiều người hoặc chỉ có một người nhưng đều có quyền và nghĩa vụ cụ thể chung theo luật hiện hành là “bảo toàn và phát triển vốn một cách hiệu quả nhất” tại doanh nghiệp. Trong các quyền đó, người đại diện phần vốn phải thực hiện được việc theo dõi, giám sát toàn diện tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính, kết quả của doanh nghiệp khác theo quy định của luật pháp và điều lệ doanh nghiệp. Khi được uỷ quyền, phải sử dụng quyền cổ đông, bên góp vốn một cách cẩn trọng theo đúng chỉ đạo của đại diện chủ sở hữu, nhất là trong trường hợp là cổ đông, bên góp vốn chi phối.
Người đại diện phần vốn Tổng công ty theo nhìn nhận thực tế đóng nhiều vai, vừa là đại diện thực hiện các quyền, nghĩa vụ cổ đông/thành viên/chủ sở hữu là Tổng công ty, vừa là cổ đông của doanh nghiệp, lại vừa là người quản lý doanh nghiệp. Người đại diện phần vốn Tổng công ty thường được cử vào những chức vụ lãnh đạo công ty như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, … Với tư cách đại diện phần vốn, họ chịu sự chỉ đạo của cổ đông Tổng công ty, là cơ quan ủy quyền đại diện cho họ. Với tư cách là người lãnh đạo doanh nghiệp, họ phải tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.
Vì vậy, việc lựa chọn người đại diện phần vốn của Tổng công ty phải được cân nhắc hết sức kỹ càng từ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm với mục tiêu đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn đầu tư của Tổng công ty.
Thực tế tại Tổng công ty, việc thực hiện đúng vai trò của người đại diện phần vốn cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với các công ty con có phần vốn góp của các tổ chức và các công ty liên kết nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Tổng công ty cũng như các bên góp vốn. Đối với các công ty con là các công ty TNHH, công ty cổ phần mà không có vốn góp của các cổ đông là tổ chức thì cơ bản người đại diện phần vốn đều thực hiện thuận lợi và đảm bảo Quy chế quản lý nguồn vốn của Tổng công ty.
Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của người đại diện phần vốn, Tổng công ty cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
- Người đại diện phần vốn phải tích cực học hỏi, nghiên cứu Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Tổng công ty và các công ty con, công ty liên kết để có những ý kiến tham mưu cho lãnh đạo Tổng công ty trong việc ra các quyết định quản trị doanh nghiệp.
- Lựa chọn người đại diện phần vốn với các tiêu chí về phẩm chất, năng lực phù hợp nhằm phối hợp với ban điều hành thực hiện tốt việc quản lý doanh nghiệp cũng như bảo đảm quyền lợi của Tổng công ty.
- Thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý phần vốn Tổng công ty tại doanh nghiệp: hàng năm, Tổng công ty tổ chức đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, có hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với người đại diện phần vốn.
Nhiều năm nay, công tác người đại diện luôn được hoàn thiện để giúp cho cổ đông Nhà nước mà đại diện là Tổng công ty, thực sự trở thành cổ đông năng động của doanh nghiệp, từ đó góp phần thực hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngày một hiệu quả hơn.
Tuy nhiên hiện nay một loạt khuôn khổ pháp lý mới được ban hành liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước, đã khiến người đại diện vốn trở thành một nghề khó hơn, bên cạnh đó còn là những thách thức mới đến từ môi trường kinh doanh đang thay đổi và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi công tác người đại diện phải được tối ưu hóa, chuyên nghiệp hóa hơn nữa dựa trên một khung khổ pháp lý hoàn thiện, đáp ứng linh hoạt với những phản ứng nhanh nhạy của thị trường, đòi hỏi phải lựa chọn được người đại diện là những người có năng lực thực sự, bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu sâu sắc doanh nghiệp, thị trường, làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả. Chỉ khi đó đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ được bảo toàn mà mới có cơ hội được nảy nở, sinh sôi.
Phùng Văn Tân – Trưởng Ban kiểm soát TCT