Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có Chỉ thị số 13/CT-BCT yêu cầu các cục, vụ trực thuộc phải chủ động, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiêu thụ hàng hóa
Kết thúc 7 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng ở mức khiêm tốn 4,8%, điều này cho thấy khó khăn trong sản xuất công nghiệp từng bước được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều trở ngại và thách thức.
Tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã có quyết định đầu tư và đang triển khai thực hiện đầu tư, các dự án trong ngành điện đã được ký kết; đề xuất các biện pháp thu xếp vốn cho các công trình điện cấp bách cung cấp điện cho miền Nam.
Kết thúc việc đàm phán về cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn để chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy, tập trung giải quyết khẩn trương các vướng mắc nhằm đưa vào vận hành ổn định dự án DAP Hải Phòng, thúc đẩy các dự án đang triển khai như DAP số 2 Lào Cai, mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; tích cực tháo gỡ khó khăn cho Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, Nhà máy Gang thép Lào Cai; đôn đốc việc hoàn thiện và chạy thử có tải Nhà máy Alumin Tân Rai…
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tập trung giải quyết khẩn trương các vướng mắc nhằm đưa vào vận hành ổn định dự án DAP Hải Phòng
Cũng theo chỉ thị, chính sách đầu tư của các doanh nghiệp cần phải có trọng tâm, trọng điểm, chỉ khởi công các công trình đã đảm bảo đủ các điều kiện như mặt bằng, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực để triển khai… nhằm đưa dự án có hiệu quả đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực, tăng chi phí đầu tư.
Đưa hàng hóa với giá thấp nhất đến người tiêu dùng
Ngoài ra, để tự tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất cần kiểm soát chặt chẽ việc tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, đặc biệt là điện, nước, than, xăng dầu, chi phí vận tải, quản lý… khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất.
Chỉ thị cũng yêu cầu các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, mở rộng, tái cấu trúc thị trường (cả trong và ngoài nước); tăng cường quảng bá sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau nhất là đối với những sản phẩm của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp khác.
Vụ Thị trường ngoài nước tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; chỉ đạo các tham tán thương mại tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm, kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Vụ Xuất nhập khẩu, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT trong việc điều hành linh hoạt sản xuất, xuất nhập khẩu các mặt hàng đường, muối; trong việc thu mua tạm trữ nông sản cho nông dân; tiếp tục các giải pháp phù hợp cam kết quốc tế nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu; nghiên cứu đề xuất với Bộ Tài chính điều chỉnh linh hoạt chính sách thuế của những hàng hoá trong danh mục Việt Nam đã sản xuất được.
Về phát triển thị trường trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả; tránh hiện tượng gián đoạn nguồn cung, tăng giá bất hợp lý ở một số hàng hóa. Chỉ thị cũng yêu cầu doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, mở rộng, tái cấu trúc thị trường (cả trong và ngoài nước); tăng cường quảng bá sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách kích cầu để trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vào tiêu thụ tại các hội chợ tiêu dùng, các chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Xem thêm:
- Mitraco khẳng định vai trò doanh nghiệp đầu tàu tại Hà Tĩnh
- Đại hội Chi bộ Văn phòng Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 – 2022 diễn ra thành công tốt đẹp.
- Thông báo mời chào giá thiết bị sản xuất viên gỗ nén
- Doanh nghiệp tạm nhập tái xuất sẽ đóng cửa hàng loạt?
- Về việc gia hạn công bố báo cáo quý II/2016