“Chúng ta yêu nước trước hết phải có việc làm, phải có tiền để nuôi sống vợ con. Mỗi gia đình có giàu mạnh, đất nước mới mạnh thêm. Tại sao nhiều công nhân cứ kêu yêu nước lại đi đập phá, hủy hoại công việc của mình”, anh Nguyễn Thanh Ngọc, xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh, công nhân làm việc tại dự án Formosa Hà Tĩnh bức xúc.
Công nhân ở dự án Formosa đã trở lại làm việc bình thường
Người dân bức xúc
Sáng ngày 15/5, một đêm sau khi xảy ra xô xát tại dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, phóng viên Tiền Phong có mặt tại điểm nóng xã Kỳ Phương, nơi khu ở tập trung của hàng trăm công nhân bị đốt cháy. Vừa qua thị trấn Kỳ Anh, hàng trăm chiến sỹ, cán bộ công an, bộ đội đội nắng chặn chốt khắp các ngả đường để hướng dẫn dòng xe Bắc Nam đi vào đường tránh để các cơ quan chức năng giải quyết sự việc. Hai bên QL 1A, từng tốp công nhân tay xách nách mang hành lý với vẻ mặt buồn lũ lượt kéo nhau ra đường bắt xe về quê. “Khoảng cuối giờ chiều 14/5, khi công nhân đang làm việc trong khu vực Lò Cao, nghe mọi người xôn xao ở phía bên ngoài có xô xát nên người quản lý gọi anh em tập trung một chỗ rồi đưa anh em đi cổng khác về khu trọ”, anh Lê Văn Thắng, công nhân của Cty Phú Doanh, đang nhận thầu một gói công trình tại dự án Formosa kể.
Theo anh Thắng, từ khi vào làm công nhân tại dự án Formosa, anh và mọi người được Cty trả lương đầy đủ mỗi tháng từ 5 đến 7 triệu đồng. “Sáng nay nghe người quản lý thông báo cho công nhân nghỉ việc tạm thời về quê vì an ninh không đảm bảo nên mọi người hết sức hoang mang. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam có bao cách để bày tỏ thái độ, tại sao mọi người lại đi đập phá, hủy hoại công việc của chính mình”, anh Lê Văn Quang, công nhân Cty Phú Doanh buồn bã vội bước lên chiếc xe buýt chật ních người.
Tại trường tiểu học Kỳ Phương cũ, nơi cho hàng trăm công nhân Trung Quốc thuê ở bị một số phần tử quá khích đốt cháy đêm 14/5, rất đông lực lượng dân quân tự vệ xã Kỳ Phương được huy động bảo vệ hiện trường. “Khoảng 6 giờ chiều, có khoảng vài chục người cầm băng rôn đi thành hàng hô các khẩu hiệu. Sau đó có tiếng kích động từ phía ngoài rồi từ đâu mọi người chạy loạn xạ lên”, ông Nguyễn Tiến Thụy, dân quân tự vệ xã Kỳ Phương cho biết. Khi biết PV báo chí đến tìm hiểu sự việc, rất đông người dân sống cạnh trường tiểu học Kỳ Phương tập trung lại thể hiện sự bức xúc trước hành động tự phát của nhóm người gây rối. “Tôi khẳng định người dân xã Kỳ Phương hoàn toàn không tham gia vào việc lộn xộn này. Những ngày qua người dân rất bức xúc trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng không ngu dốt đến nỗi tự tay đập phá, hủy hoại tài sản của đất nước mình. Ông Nguyễn Tiến Thụy bày tỏ.
Anh Nguyễn Thanh Ngọc bức xúc trước hành vi gây rối của một số công nhân
Anh Nguyễn Ánh Hồng, chủ một quán ăn cạnh cổng ra vào trường tiểu học Kỳ Phương cho biết, những công nhân Trung Quốc sống ở đây ít giao du, không la cà bên ngoài. “Thường đi làm về họ rất ít khi ra ngoài la cà quán xá. Mỗi khi thiếu thứ gì những lao động người Trung Quốc ra quán mua và thanh toán tiền sòng phẳng”, anh Hồng cho biết. Cũng theo anh Hồng, cách đây vài tháng, có một tốp công nhân người Trung Quốc khi đi làm về đi bên trái đường gây ra tai nạn xe máy với người dân. Khi hai nhóm người đang cãi vã, những người dân xung quanh ra can ngăn. “Họ cũng là những người lao động nghèo sang Việt Nam làm việc, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa địa phương nên việc xảy ra xô xát không thể tránh khỏi. Nhiều cuộc sinh hoạt cộng đồng, chính quyền xã Kỳ Phương đều căn dặn thanh niên địa phương phải hết sức thông cảm và chia sẻ với người Trung Quốc”, ông Nguyễn Tiến Thụy cho biết.
Như để khẳng định thêm tình cảm của người dân địa phương đối xử tốt với người lao động Trung Quốc, những người dân đưa câu chuyện của anh Đào Hữu Ý (SN 1984, trú tại thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trả lại 200 triệu đồng cho một người lao động Trung Quốc vào ngày 11/5 đánh rơi tại một quán cà phê ở thị trấn Kỳ Anh. Cũng tại cuộc họp báo do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức sau một ngày xảy ra sự việc, Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Danh, khẳng định, không hề có một người dân nào tham gia. “Công nhân tham gia vụ xô xát hầu như là người ngoại tỉnh. Công nhân của các nhà thầu phụ chứ các nhà thầu chính của Formosa cũng không tham gia”, ông Danh nói.
Công trường tấp nập trở lại
Hơn một tuần sau khi xảy vụ ra xô xát, dưới cái nắng như đổ lửa hơn 40 độ C, dự án Formosa lại tấp nập công nhân, xe cộ ra vào làm việc như thường ngày. Hai cổng kiểm soát công nhân ra vào được bố trí lực lượng bảo vệ chặt chẽ hơn, kèm với đó là sự hỗ trợ của lực lượng công an và bộ đội biên phòng Hà Tĩnh. Được sự hỗ trợ và giới thiệu của một cán bộ biên phòng, PV Tiền Phong vào cùng công nhân đang hối hả làm việc sau những ngày nghỉ vì sự cố. Qua khỏi khu vực kiểm soát, bên trong rộn tiếng máy đào, tiếng gò hàn vang khắp các công trình.
Bình yên trở lại ở khu kinh tế Vũng Áng
Dưới cái nắng rát người kèm những trận gió Lào khô khốc thổi cát bay mù mịt, nhóm công nhân quê ở xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh, đang trộn bê tông để hoàn thiện nốt phần kênh thoát nước mà nhẽ ra đã hoàn thành nếu không xảy ra việc xô xát ngày 14/5. “Mọi người đang làm việc bình thường tại công trường thì thấy một số người hô hoán công nhân Trung Quốc đánh nhau với người Việt Nam. Sau đó thấy chiếc xe chở công nhân vừa chạy qua bị nhiều người chặn lại và xô xát”, anh Nguyễn Thanh Ngọc, trú tại xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh, đang làm việc cho Cty Posco, tại dự án Formosa cho biết. Anh Ngọc tâm sự, trước khi vào làm việc tại dự án Formosa, anh và các công nhân đi nhận thầu xây dựng ở nhiều tỉnh thành phía Nam thu nhập bấp bênh, phải sống xa gia đình. “Mỗi tháng làm việc ở đây, thu nhập từ 6 đến 7,5 triệu đồng. Công việc vất vả nhưng ai cũng hào hứng vì chủ đầu tư trả tiền công sòng phẳng, mỗi tháng đều đặn gửi tiền về gia đình”, anh Phan Văn Hoàn, phụ trách mảng cốp pha kể.
Trong giờ nghỉ giải lao, nhóm công nhân lại tranh thủ mở điện thoại để nắm tình hình ở Hoàng Sa. “Chúng ta yêu nước trước hết phải có việc làm, phải có tiền để nuôi sống vợ con. Mỗi gia đình có giàu mạnh, đất nước mới mạnh thêm. Tại sao những công nhân cứ kêu gào yêu nước lại đi đập phá, hủy hoại công việc của mình”, anh Nguyễn Thanh Ngọc bày tỏ. Theo nhóm công nhân này, vụ việc vừa xảy ra chỉ là việc làm thiếu hiểu biết của một số người nhận thức không đúng về sự việc và bị kích động của phần tử xấu. “May mắn sự việc được lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn. Sự việc vừa xảy ra cũng là bài học cho nhiều công nhân nhận thức ra sự việc để tránh bị kẻ xấu xúi giục, lôi kéo”, anh Hoàn nói.
Anh Nguyễn Duy Hùng, công nhân tổ cốp pha, Cty Posco, đang xây dựng hệ thống nhà ở tại dự án Formosa cho biết, trước khi xảy ra sự việc gây rối, tổ có 23 người làm việc thường xuyên. “Sau gần một tuần Cty cho nghỉ, đến nay có 21 công nhân trở lại làm việc. Mong sự việc vừa xảy ra là bài học cho nhiều công nhân khác”, anh Hùng nói.
Ông Phan Mạnh Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi xảy ra sự việc, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp cùng đoàn công tác của tỉnh có mặt tại địa bàn huyện Kỳ Anh để thống kê lao động tạm trú trên địa bàn. Theo ông Hùng, ngoài công tác tuyên truyền, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với nhiều lực lượng vào tận nơi công nhân ở cung cấp đầy đủ thông tin về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. “Sau khi được sự tuyên truyền của lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, công nhân lao động cũng mong muốn tình hình ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mang đến cho công nhân lao động việc làm để tăng thêm thu nhập”, ông Hùng nói. |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Đình Vân, Phó trưởng BQL Khu kinh tế Vũng Áng cho biết, hiện tại trong Khu kinh tế Vũng Áng có hơn 16.000 công nhân lao động trở lại làm việc. Tại công trường dự án Formosa có 29 nhà thầu thi công đã làm việc bình thường, với 12.346 công nhân lao động, trong đó có 455 lao động người nước ngoài. Cán bộ, công nhân viên của dự án Formosa có 4.348 người, trong đó có 942 người Đài Loan làm việc. Liên quan đến vụ việc, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 24 bị can về các hành vi gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản và trộm tài sản của dự án Formosa. Chiều 28/5, các cơ quan chức năng đã vận động nhiều người giao nộp được 17 CPU máy tính, 14 màn hình máy tính, 3 máy photocoppy; 1 máy chiếu; 2 máy in; 15 máy hàn; 5,8 tấn sắt thép; 6 tủ lạnh công nghiệp; 15 cục điều hòa; 11 xe máy và nhiều tài sản khác trả lại cho Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, nhà đầu tư bị mất cắp.
Xem thêm:
- Mitraco khánh thành Nhà máy Bột thạch cao cao cấp tại Lào
- Mitraco ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra
- Mitraco trao tặng 141 suất quà Tết cho lao động khó khăn
- Báo cáo tài chính hợp nhất Tổng công ty cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018 đã được kiểm toán
- Nhiều sai phạm tại Cty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn