Thu “trái ngọt” từ công nghệ cao

admin
19/10/15
0
Những vùng cát ven biển Hà Tĩnh bao đời nay nghèo khó, cát trắng nắng gió khô cháy. Bỗng một ngày, những vùng rau, củ, quả (RCQ) công nghệ cao xanh tươi, trù phú đem lại thu nhập “trong mơ” cho người dân địa phương. Đây là một thí dụ sinh động cho thấy hiệu quả của mô hình liên kết “bốn nhà” trong phát triển nông nghiệp kiểu mới.
Làm xanh vùng cát trắng
Những bãi cát trắng mênh mông chói chang nắng dọc tuyến quốc lộ ven biển từ mỏ sắt Thạch Khê xuống biển Thiên Cầm giờ đã thành những ô thửa, những vùng rau xanh dịu bắt mắt. Cùng với đó là những nhà lưới, hệ thống phun tưới tự động… trông giống những vùng nông nghiệp hiện đại ở các nước phát triển.

Giám đốc Công ty I.B.C Nhật Bản và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khảo sát mô hình trồng rau trên cát tại Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Câu chuyện trồng RCQ trên cát bắt nguồn từ một lần lãnh đạo Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) sang Đông San (Trung Quốc) tìm hiểu công nghệ chế biến khoáng sản, thấy vùng đất cát bên đó có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng giống vùng ven biển Hà Tĩnh, nhưng họ trồng RCQ tươi tốt, cho thu nhập cao. Trở về, Công ty Mitraco báo cáo lãnh đạo tỉnh, nhận được sự ủng hộ nên công ty bắt tay vào ký hợp đồng với Công ty TNHH Finepon (Hồng Công – Trung Quốc) thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trồng RCQ công nghệ cao trên đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” đầu tiên trên vùng cát xã Thạch Văn (Thạch Hà). “Khi bắt đầu triển khai dự án, không ít cán bộ cũng như người dân nghi ngờ tính khả thi của dự án. Họ cho rằng, trên cát hoang vùng đất “chết”, ven biển, nhiệt độ 40-500C, đến cây cỏ cũng khó sống được thì làm sao RCQ phát triển được (!)…” – Tổng Giám đốc Dương Tất Thắng nhớ lại.
Bước khởi đầu, từ quý III-2013, Mitraco phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cùng với đối tác Finepon triển khai trồng thử 12 ha tại xóm Tân Văn (xã Thạch Văn). Và đến nay đã nhân rộng ra sáu huyện có diện tích 200 ha với sự tham gia tích cực của người dân và DN. Riêng Mitraco trực tiếp trồng và quản lý 100 ha cùng 100 ha liên kết với 15 HTX và người dân trong vùng, trồng hàng chục loại giống nhập từ các nước: Nhật, Hàn Quốc, I-xra-en, Thái-lan, Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ và một số giống chất lượng cao trong nước. Cùng với đầu tư mở rộng diện tích, Mitraco liên kết với các HTX thông qua việc đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiêu, cung cấp giống, các loại vật tư phân bón, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất và bao tiêu 100% sản phẩm.
Bên hệ thống ống tưới chìm, nổi chằng chịt được đầu tư công nghệ nước ngoài khoảng 100 triệu đồng/ha, kỹ sư Trương Thị Mỹ, phụ trách kỹ thuật dự án chỉ vào một đường ống đen nhỏ bằng ngón tay nằm sát dưới các gốc cây giới thiệu: Dưới nhiệt độ 40-500C mùa hè thì không thể tưới bằng hệ thống phun sương, phun giọt và làm ẩm gốc được, nên công ty phải sử dụng hệ thống ống tưới nhỏ giọt công nghệ của I-xra-en. Tiện lợi hơn là phân bón, khoáng chất được hòa với nước tưới từng giọt vào gốc cây cho hiệu quả kinh tế rất cao, lại tiết kiệm, phù hợp với vùng cát trắng này…
Không thể thiếu “bà đỡ” chính sách
Nói về thành công của quá trình áp dụng công nghệ trồng RCQ trên cát của Mitraco, không thể không nói đến sự hỗ trợ của UBND tỉnh thông qua việc ban hành những cơ chế, chính sách tạo động lực cho DN bền gan đầu tư. Ông Dương Tất Thắng nhớ lại, đồng chí Võ Kim Cự – lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt. Thậm chí, tại kỳ họp HĐND tỉnh vào dịp cuối năm 2013, ông Cự đã đưa củ cải, măng tây, cà rốt… mới trồng hơn một tháng to bằng cổ tay để thuyết trình về sự phát triển “trong mơ” của các loại RCQ được trồng trên vùng cát “chết”, hứa hẹn mở ra hướng phát triển kinh tế cho vùng đất ven biển Hà Tĩnh. Cũng tại hội nghị, ông Cự đã chỉ trích khá gay gắt những cán bộ, DN còn ngại khó triển khai cái mới hay nghi ngờ sự hiệu quả, thành công của dự án. Ngay dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đích thân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên cùng tham gia ngày hội trồng cây, gieo hạt trên vùng cát trắng với nông dân.
Không chỉ có vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách “bà đỡ”- kích cầu nông dân và DN tham gia trồng RCQ theo công nghệ cao, nên trong hai năm qua Hà Tĩnh phát triển, nhân rộng các mô hình vùng RCQ công nghệ cao trên cát hoang ven biển Hà Tĩnh… Ban đầu tỉnh Hà Tĩnh đưa ra chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tự động, khai hoang, hỗ trợ giống, phân bón… lên đến hơn 200 triệu đồng/ha; hỗ trợ ưu tiên phần đầu tư hệ thống tưới, một phần giống và bao tiêu sản phẩm khoảng 100 triệu đồng/ha… Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế, các địa phương đều trích ngân sách để hỗ trợ “kích cầu” cho người dân tham gia đầu tư dự án RCQ này. Không chỉ có chính sách, lãnh đạo tỉnh và các địa phương cùng bắt tay tháo gỡ các vướng mắc thủ tục ngay tại các dự án trồng RCQ.
Giờ đây, trồng RCQ trên cát bạc màu bằng công nghệ cao đã được nhân rộng với sự tham gia của hàng trăm hộ dân và một số DN khác trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Không chỉ đầu tư vào công nghệ, cây giống, Mitraco đã từng bước xây dựng hệ thống phân phối RCQ sạch trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An và một số tỉnh, thành phía bắc. Mới đây, một số DN của Nhật Bản, Thái-lan thăm, ấn tượng với mô hình trồng RCQ trên cát bằng công nghệ cao và đã ký hợp tác xuất khẩu sản phẩm của Mitraco sang hai thị trường này.
Tại vùng rau xanh ở xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên) Chủ nhiệm HTX dịch vụ và nuôi trồng Hà Dũng, chị Trần Thị Việt Hà giơ những chùm củ cải lớn khoe: “Không ngờ vùng đất cát hoang lại có ngày cho thu hoạch được những sản phẩm tốt vậy. Năm ngoái, đi tham quan mô hình trồng RCQ trên cát ở Thạch Văn về, chị em chúng tôi “bức xúc”, họ làm được chẳng lẽ mình không làm được?!”.
Với sự hỗ trợ từ chính sách, cơ chế của tỉnh và huyện, HTX gồm chín xã viên đã khai hoang trồng 10 ha RCQ các loại. Mỗi ha rau cho thu hoạch 200 đến 250 triệu đồng; lương bình quân xã viên từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng – một khoản thu nhập trong mơ của người dân nơi đây. Chị Hà cho biết: HTX đang muốn mở rộng diện tích lên 50 ha để vừa trồng rau, nuôi bò vừa giải quyết lao động nhưng sợ hết… đất cát hoang!
Hiện dự án trồng RCQ trên cát bạc màu ở Hà Tĩnh đang triển khai trồng hơn 50 loại giống trong đó có khoảng 30 loại RCQ cho hiệu quả kinh tế cao, như dưa Kim Cô Nương cho thu hoạch khoảng 300 triệu đồng/ha, măng tây 400 – 500 triệu đồng/ha… và giải quyết được hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân khoảng 4-6 triệu đồng/tháng. Song, điều quan trọng hơn chính là sự vào cuộc của chính quyền, người dân và DN với tâm thế mới để đánh thức vùng đất cát bạc màu ven biển nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỗ tổ vua Hùng tháng mấy?