Tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào

admin
12/09/12
0
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh sang Lào đầu tư thành công; đồng thời, các DN Lào cũng quan tâm đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, qua đó góp phần củng cố và thúc đẩy thêm mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào.
Thành công trên đất bạn
Năm 2002, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại (Mitraco) Hà Tĩnh bắt đầu khởi động hoạt động đầu tư sang nước bạn Lào để tìm hiểu cơ hội làm ăn, đoàn đến đâu cũng được Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh của nước bạn đặc biệt quan tâm và ưu ái mời gọi đầu tư. Ngay sau đó, Mitraco xúc tiến việc thành lập Công ty Vilaco được Chính phủ Lào cấp giấy phép đầu tư khai thác và chế biến mỏ thạch cao, công suất 20 triệu tấn tại huyện Xế Băng Phay (Khăm Muộn). Vào đúng thời điểm đó,  kinh tế Việt Nam và thế giới đang gặp khó khăn nhưng Vilaco vẫn đầu tư năm triệu USD xây dựng dây chuyền sản xuất bột thạch cao cao cấp và tấm trần thạch cao công suất 500 nghìn m2/năm. Hiện, Vilaco đã trở thành thương hiệu có uy tín không chỉ ở nước bạn Lào mà sản phẩm còn nhập về Việt Nam với số lượng lớn, doanh thu năm 2012 ước đạt hơn 10 triệu USD… Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn Kham-bay Dam-lath cho biết, Vilaco là DN sản xuất lớn nhất của tỉnh Khăm Muộn, hơn 70% số cán bộ, công nhân là người Lào có mức thu nhập bằng ba, bốn lần thu nhập bình quân của công nhân ở Khăm Muộn.
Sản xuất tấm trần thạch cao tại Vilaco
Tổ chức công đoàn Vilaco hoạt động tốt, đóng bảo hiểm cho công nhân đầy đủ, là đơn vị dẫn đầu nộp thuế và giải quyết việc làm. Sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, Vilaco quan tâm đến an sinh xã hội, đầu tư xây nhà trẻ, nước sạch, nhà vệ sinh, hỗ trợ học bổng… con em đồng bào tại địa phương. Trong thời gian tới, Vilaco tiếp tục mở rộng dự án thạch cao và phát triển các dự án nông lâm nghiệp, thương mại.
Sau sự khởi đầu thành công của Vilaco, các DN cao-su Hà Tĩnh sang đầu tư tại nước Lào với quy mô  hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2010, Công ty TNHH MTV Cao-su Hà Tĩnh bắt đầu thực hiện dự án trồng 1.034 ha cao-su tại Làng thanh niên lập nghiệp hữu nghị Việt-Lào ở tỉnh Bô-ly Khăm-xay. Ðến nay, công ty đã  trồng 700 ha cao-su tại bản Noọng Coọc, huyện Khăm-cợt. Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Hà Tĩnh Trần Ngọc Sơn cho biết: Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền và nhân dân nước bạn. Nhờ vậy, bao khó khăn từ những ngày đầu DN cũng vượt qua. Ðiều đáng mừng là cây cao-su ở đây phát triển rất nhanh, cây mới trồng gần hai năm đã cao từ ba đến năm mét, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế…
Ðây chính là điều kiện tốt để công ty phấn đấu đến năm 2015 mở rộng đầu tư trồng hơn 6.000 ha cao-su ở hai tỉnh Bô-ly Khăm-xay và Xiêng Khoảng. Công ty TNHH MTV Cao-su Hương Khê (Hà Tĩnh) cùng với Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đang khảo sát vùng đất ba-dan rộng hàng chục nghìn ha thuộc tỉnh Xay-nha Bu-ly. Ðây là khu vực có thổ nhưỡng và khí hậu rất phù hợp với cây cao-su… Thực hiện chiến lược phát triển cây cao-su ở nước bạn Lào của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, hai công ty cao-su Hà Tĩnh sẽ có bước tiến dài và vững chắc trong khai thác tài nguyên đất đai, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân Lào, góp phần tô đậm tình hữu nghị truyền thống Việt – Lào anh em. Những dự án cao-su này sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho một bộ phận người dân nước bạn ở những tỉnh có chung đường biên với Hà Tĩnh.
Với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, Hưng Thịnh là DN tư nhân đầu tiên của Hà Tĩnh tiên phong đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lưới thép mạ kẽm và dây thép gai tại Thủ đô Viêng Chăn. Sau 10 năm kinh doanh trên đất Lào, DN Hưng Thịnh từng bước khẳng định thương hiệu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động người Lào. Anh công nhân Linh-phon cho biết: Nhờ có Công ty Hưng Thịnh đầu tư ở Viêng Chăn mà nhiều người Lào chúng tôi có việc làm và cuộc sống ổn định, thu nhập cao.
Ðối với DN Lào đầu tư vào khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh có chính sách ưu tiên cho bạn trong liên doanh với Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Việt – Lào, phía bạn đóng góp 20% cổ phần. Liên doanh này đang sở hữu bến số 1 và 2 cảng Vũng Áng – với năng lực tiếp nhận gần hai triệu tấn hàng hóa/năm. Ðây được xem là dự án quan trọng góp phần đưa bạn Lào vươn ra biển. Trước mắt, cảng phục vụ vận tải hàng quá cảnh của nước bạn, dự kiến từ năm 2015 trở đi, hàng quá cảnh của các DN Lào sẽ đạt khoảng một triệu tấn hàng/năm, phục vụ phát triển hành lang kinh tế Ðông Tây. Vừa qua, Tập đoàn kinh tế Phone Sack Group, một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất của Lào đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phone Sack, công suất 180.000 m3/năm tại KKT Vũng Áng. Ðây là dự án đầu tư đầu tiên 100% vốn của DN Lào đầu tư vào Hà Tĩnh với số vốn 50 triệu USD. Dự kiến, năm 2013, nhà máy đi vào hoạt động sẽ thu hút hơn 1.500 lao động, nguyên liệu chủ yếu được nhập từ Lào, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và thu mua gỗ rừng trồng tại Việt Nam.
Hợp tác cùng phát triển
Cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, gắn bó và hỗ trợ nhau trong chặng đường phát triển, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hai nước Việt – Lào đã tạo nên mối quan hệ máu thịt. Ðảng, Chính phủ và nhân dân hai nước thấu hiểu rằng, sự phát triển – hội nhập của Việt Nam  góp phần quan trọng vào sự phát triển của Lào và ngược lại, sự thịnh vượng, ổn định của nước bạn Lào là tiền đề để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Ðây chính là điều kiện để lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và hai tỉnh Bô-ly Khăm-xay, Khăm Muộn có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành của hai nước để ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội nhằm tạo điều kiện cho các DN đầu tư qua lại.
Gần đây, nhiều đoàn cấp cao của Chính phủ Lào và Việt Nam và các tỉnh cùng chung biên giới đã có nhiều chuyến thăm hữu nghị lẫn nhau để thảo luận các chương trình hợp tác phát triển. Trong đó, Hà Tĩnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển toàn diện với hai tỉnh Bô-ly Khăm-xay và Khăm Muộn. Với lợi thế có chung đường biên, Hà Tĩnh cùng các tỉnh bạn đã có những bước đi thích hợp nhằm đẩy nhanh sự hợp tác phát triển. Với hai KKT năng động, Hà Tĩnh đã ban hành Quy chế quản lý và phối hợp hoạt động của các KKT gắn với công tác quy hoạch, xây dựng nhằm đẩy mạnh hoạt động giao lưu thương mại giữa các tỉnh có chung đường biên và các tỉnh có sử dụng đường 8, đường 12 của ba nước Việt Nam – Lào – Thái-lan. Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn Kham-bay Dam-lath cho biết thêm: Ban liên lạc hai tỉnh Khăm Muộn và Hà Tĩnh đã được thành lập, nhằm tạo kênh thông tin, kêu gọi thu hút đầu tư khai thác thế mạnh của Khăm Muộn về đất đai, khoáng sản, thủy điện, du lịch. Các DN Khăm Muộn quan tâm đầu tư nhà máy chế biến lâm sản tại KKT Vũng Áng và cảng biển Vũng Áng. Tỉnh Khăm Muộn đang chuẩn bị nâng cấp tuyến đường 8B từ Na-cay đi Lạc-sao, rút ngắn quãng đường về Hà Tĩnh khoảng 100 km, cùng với cầu Hữu Nghị 3 vượt sông Mê Công vừa đưa vào sử dụng, giúp hàng hóa của vùng đông bắc Thái-lan, các tỉnh trung Lào xuống cảng Vũng Áng ra biển thuận lợi.
Mới đây, ngày 12-8, tại cố đô Luông-pha-bang (Lào), đã diễn ra cuộc họp giữa kỳ lần thứ 34 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào. Cuộc họp đã đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định hợp tác giữa hai nước. Theo đó, trong năm 2012 sẽ hoàn tất Ðề án thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh – Bô-ly Khăm-xay. Ðề án này đã được Phó Thủ tướng Lào Xổm-xa-vạt Lênh-xa-vắt và Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Kế hoạch và Ðầu tư hai nước chủ trì phối hợp các bộ, ngành thẩm định trình Chính phủ và Bộ Chính trị hai nước trong năm 2012.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỗ tổ vua Hùng tháng mấy?