Đó là tình hình chung trong Báo cáo tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011 mà Chính phủ vừa gửi tới các ĐBQH sáng 20.11.
Tập đoàn, tổng công ty lỗ hàng ngàn tỉ đồng
Cụ thể, căn cứ báo cáo của 91 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) (có 65 đơn vị đã kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất và 73 công ty mẹ đã được kiểm toán báo cáo tài chính) gửi Bộ Tài chính về kết quả năm 2011 cho thấy, tổng tài sản của các TĐ, TCT là 2.093.907 tỉ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2010, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân 43,9%.
Doanh thu của TĐ, TCT là 1.577.311 tỉ đồng, tăng 25,1% so với 2010. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 12% so với năm 2010, đạt 135.111 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân/vốn chủ sở hữu là 18,57%.
EVN là tập đoàn dẫn đầu về tình trạng thua lỗ với khoản lỗ lên đến hàng nghìn tỉ đồng
Báo cáo cho biết, nhiều TĐ, TCT có những khoản lỗ phát sinh và lỗ lũy kế lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Cụ thể, có 5 TĐ, TCT có lỗ hợp nhất là 5.823 tỉ đồng, trong đó xếp đầu bảng là EVN với 2.589 tỉ đồng (chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá 11.208 tỉ đồng); TĐ xăng dầu Việt Nam 2.390 tỉ đồng; TCT hàng hải Việt Nam 791 tỉ đồng; TCT xây dựng đường thủy 66 tỉ đồng; và TCT xăng dầu Quân đội 17 tỉ đồng.
5 công ty mẹ có lỗ phát sinh là 3.104 tỉ đồng, trong đó TĐ xăng dầu Việt Nam lỗ 2.177 tỉ đồng; TCT hàng hải Việt Nam lỗ 857 tỉ đồng… Tính đến 31.12.2011, lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất của 13 TĐ, TCT lên tới 48.988 tỉ đồng, trong đó dẫn đầu là EVN với số lỗ lũy kế là 38.104 tỉ đồng (lỗ do sản xuất kinh doanh điện 11.437 tỉ đồng; lỗ do chênh lệch tỷ giá là 26.667 tỉ đồng); TCT hàng hải Việt Nam là 5.738 tỉ đồng; TĐ xăng dầu Việt Nam 2.390 tỉ đồng; TCT xăng dầu Quân đội 566 tỉ đồng; TĐ Sông Đà 625 tỉ đồng…
Số lỗ lũy kế theo báo cáo của 9 công ty mẹ cũng được thống kê với 12.800 tỉ đồng, trong đó dẫn đầu là công ty mẹ – EVN lỗ 8.084 tỉ đồng, TĐ xăng dầu 2.706 tỉ đồng; TCT hàng hải 857 tỉ đồng.
Hơn 3.700 tỉ đồng nợ khó đòi
Về tổng nợ phải thu của TĐ, TCT trong năm 2011 là 296.541 tỉ đồng (bằng 14,1% tổng tài sản), tăng 13,8% so với năm 2010, trong đó nợ khó đòi là 3.753 tỉ đồng, chiếm 12,6% so với tổng nợ phải thu. Đáng nói là có những công ty mẹ, tỷ lệ phải thu khó đòi trên tổng số nợ phải thu đang ở mức rất cao như TCT xây dựng công trình giao thông 6 là 108,650 tỉ đồng, chiếm 36%; TCT thương mại Sài Gòn với 173,470 tỉ đồng, chiếm 32%…
Về vốn chủ sở hữu, năm 2011 của các TĐ – TCT là 727.277 tỉ đồng, tăng 61.738 tỉ đồng, tương đương 9,3% so với năm 2010. So với năm 2006, thời điểm khi mới hình thành một số TĐ thì vốn chủ sở hữu tăng 409.630 tỉ đồng, tương đương 226%.
“Xét tổng thể, các TĐ, TCT bảo toàn được vốn chủ sở hữu, hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,14 lần. Tuy nhiên, có TCT không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính, như TCT Dâu tằm tơ, vốn chủ sở hữu âm 281 tỉ đồng; TCT xây dựng đường thủy, vốn chủ sở hữu âm tới 604 tỉ đồng. Các TCT này khó khăn từ rất lâu nhưng đến nay chưa khắc phục được”, Chính phủ báo cáo.
Khó thoái vốn
Nguyên nhân theo báo cáo “do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế nói chung cũng như của thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng nên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Chính phủ cho hay tính đến 31.12.2011, các công ty mẹ đã đầu tư vào 5 lĩnh vực nói trên với số tiền 23.744 tỉ đồng, tăng 3.056 tỉ đồng (15%) so với năm 2010, trong đó đầu tư vào ngân hàng chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 11.403 tỉ đồng (tăng 187 tỉ đồng), kế đến là bất động sản với 9.286 tỉ đồng (tăng 2.840 tỉ đồng so với năm 2010), lĩnh vực bảo hiểm là 1.682 tỉ đồng (tăng 31 tỉ đồng).
Thủ tướng đã có Quyết định phê duyệt đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các TĐ, TCT giai đoạn 2011 – 2015, trong đó nêu rõ yêu cầu các TĐ, TCT phải thoái vốn ở những lĩnh vực nêu trên trước 2015.
Để khắc phục những tồn tại của doanh nghiệp nhà nước, trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2012 – 2015, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, trong đó có giải pháp Thủ tướng ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Xem thêm: