Dấu ấn doanh nhân tiêu biểu 2013

admin
17/10/13
0
Ngày 11/10, tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) VCCI tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân VN 13/10 và tôn vinh 100 Doanh nhân VN tiêu biểu 2013. Đây là những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đóng góp hàng trăm ngàn tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động… trong thời gian 3 năm 2010 – 2012.
Ban chỉ đạo và Hội đồng bình xét Doanh nhân VN Tiêu biểu 2013 gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và Phòng Thương mại Quốc tế ICC, Hội đồng bình xét gồm đại diện 21 bộ, ngành, cơ quan liên quan và báo chí.
 
VCCI cho biết, trong tổng số 100 doanh nhân tiêu biểu năm 2013, có 5 đại biểu quốc hội, 8 anh hùng lao động và đơn vị anh hùng lao động, 10 chiến sĩ thi đua toàn quốc và cấp bộ ngành địa phương, 37 DN nhà nước, 57 DN cổ phần và tư nhân, 5 DN FDI… Đây cũng là những cá nhân xuất sắc, được 83 bộ ngành địa phương xem xét, lựa chọn trước khi giới thiệu nguồn doanh nhân VN tiêu biểu 2013 cho VCCI.
“So bó đũa, chọn cột cờ!”
Mỗi doanh nhân được trao giải lần này là một câu chuyện vượt khó, biến khó khăn thành lợi thế, nhất là khi nền kinh tế của cả thế giới đang khó khăn, thị trường bị thu hẹp, song bằng năng lực bản thân và với quyết tâm, đối diện với khó khăn của những “Người lính thời bình” họ đã vững tay chèo, đưa DN của mình vượt lên khó khăn, tiếp tục phát triển để lại dấu ấn đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Được đánh giá là “Đầu tàu” trong số các DN FDI của tỉnh Hưng Yên, Cty TNHH LG Electronics VN đã tạo công ăn việc làm cho gần 800 lao động, thu nhập bình quân gần 13 triệu đồng/tháng. Theo Tổng giám đốc KO TAE YEON – Doanh nhân VN tiêu biểu 2013, một trong những “bí quyết” hàng đầu của LG VN là chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN thông qua các hoạt động tài trợ các  chương trình phát triển tài năng cho học sinh, sinh viên, tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Để cam kết đầu tư lâu dài tại VN, gần đây, LG cũng đã quyết định đầu tư 1,5 tỉ USD tại Hải Phòng.
Với vai trò là Tổng giám đốc Vinatex, ông Trần Quang Nghị đã lãnh đạo tập đoàn dệt may duy trì tăng trưởng tốt ngay cả trong thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho gần 100 ngàn lao động với thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng. Điểm đáng chú ý là Vinatex đã chủ động thực hiện tiến trình CPH, đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia hoạt động đào tạo cán bộ, nhân viên, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thực hiện xúc tiến, mở rộng thị trường XK, gương mẫu trong công tác an sinh xã hội… Nhờ vậy mà trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, 6 tháng đầu năm 2013, Vinatex đã đạt kim ngạch XK 1,7 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ… Ông Nghị cho biết, ngay từ đầu năm 2013 với những quan ngại lớn về thị trường, các DN dệt may đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược phát triển lâu dài cũng như các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng tháng, từng quý, nửa năm, cả năm 2013…
Hay như trường hợp Cty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi VN, dưới sự lãnh đạo của  Tổng giám đốc Teruaki Nambu, mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN nhưng doanh thu của DN này vẫn liên tục tăng trong 3 năm liền và đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 109 tỉ đồng. Để có thể đạt được thành tích trên, Sumi VN  luôn chú trọng tới đào tạo nguồn nhân lực, điển hình là chính sách đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ công nhân viên, công nhân mới vào làm việc được Cty đào tạo nghề miễn phí và có hỗ trợ lương học nghề. Năng lực chủ yếu của DN thể hiện ở năng lực đoàn kết của tập thể, đào tạo nhân tài, sản xuất ra những sản phẩm có tính năng cao, luôn nhận được sự hài lòng của khách hàng.
Được đánh giá là DN đi đầu trong ngành công nghiệp ôtô tại VN, Cty cổ phần ôtô Trường Hải dưới sự dẫn dắt của ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT đã không ngừng phát triển mẫu mã, chủng loại phương tiện, đưa thương hiệu THACO đến mọi miền của Tổ quốc, nâng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm lắp ráp cao nhất trong các nhà máy, duy trì và phát triển rộng khắp các đại lý, xưởng dịch vụ,…. nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, không ngừng đầu tư, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường bền vững, có chiến lược phát triển rõ ràng, lâu dài. Hiện có trên 6.400 cán bộ, tạo thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/tháng
Dấu ấn doanh nhân tiêu biểu
Giải thưởng doanh nhân VN tiêu biểu năm nay được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế, DN đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với những nỗ lực của bản thân các doanh nhân được lựa chọn lần này vẫn tiếp tục lãnh đạo DN phát triển, vượt các chỉ tiêu mà DN đề ra.
Thực tế, bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ các DN trong quá trình phát triển, việc tôn vinh, khen thưởng các DN không chỉ động viên, khích lệ tinh thần kinh doanh của các DN, doanh nhân mà nó còn là dịp để nhìn lại những mặt được và chưa được, từ đó tìm ra những hướng đi thích hợp nhất. VCCI tin tưởng rằng những doanh nhân tiêu biểu đều sở hữu những DN mạnh, có sức cạnh tranh, kinh doanh có hiệu quả và chắc chắn họ sẽ tiếp tục thành công  trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, để đủ sức cạnh tranh thì các DN cũng phải cố gắng rất nhiều. Các bộ, ngành địa phương và VCCI sẽ cùng chung vai  tiếp tục hỗ trợ DN phát triển.
Đại tá Phùng Danh Thắm  – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH MTV TCty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng : “Tâm lệnh” hơn “khẩu lệnh”
Với TCty Thái Sơn, chiến lược “đánh chắc, thắng chắc” đã được TCty vận dụng một cách xuyên suốt quá trình hoạt động 23 năm qua. TCty luôn quan tâm xây dựng tổ chức, đã triển khai thành lập nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc, tham gia góp vốn thành lập nhiều Cty cổ phần, trong đó là cổ đông chi phối ở nhiều Cty lớn. Đồng thời chủ động, liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế trong và ngoài quân đội để đẩy nhanh tiến trình phát triển sản xuất kinh doanh của TCty.
Điều tôi muốn chia sẻ thêm là, để có được sự phát triển bền vững, DN, doanh nhân phải đặt chữ tâm lên hàng đầu. DN luôn phải tuân thủ pháp luật, không lừa dối khách hàng và đối tác. Ngay cả những khi gặp khó khăn nhất, một doanh nhân chân chính vẫn phải tâm niệm tôn chỉ kinh doanh không đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc.
Hơn 20 năm gắn bó cùng TCty Thái Sơn vượt qua rất nhiều thử thách, tôi luôn khởi xướng và xây dựng văn hóa DN, văn hóa kinh doanh. Tôi cố gắng điều hành theo nguyên lý truyền cảm hứng làm việc cho các nhân viên, giúp họ chủ động sáng tạo, say mê trong công việc, đồng thời xem trọng “tâm lệnh” hơn “khẩu lệnh”.
 Ông Hoàng Minh Tuấn -Chủ tịch HĐQT Cty CP Nam Tiến – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lào Cai: Đẩy mạnh tái cấu trúc
Để DN ổn định và phát triển cần phải thay đổi và tăng tốc độ thay đổi mới vượt qua được khó khăn hiện nay. Cụ thể, các DN phải rà soát lại các dự án đầu tư chiến lược, các sản phẩm, dịch vụ để loại bỏ những dự án đầu tư chưa cấp bách, những sản phẩm xấu, tập trung cho những dự án mang tính chiến lược, sản phẩm tốt, có lợi thế cạnh tranh. Các DN có hàng tồn kho nhiều cần liên kết lại với nhau thực hiện chiến lược hàng đổi hàng theo nhu cầu mỗi DN. Ngoài ra, theo tôi, các DN cần đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao trình độ, nghiệp vụ để nâng cao năng lực quản trị của DN. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải cải cách hành chính, đồng hành chia sẻ khó khăn với DN…
Thực tế đối với Cty CP Nam Tiến, chúng tôi đã xác định và áp dung những yếu tố trên nên hiên nay Nam Tiến đã ổn định và phát triển bền vững.
 Ông Nguyễn  Mạnh Thản Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty cổ phần Ao Vua : Kinh doanh theo nguyên tắc thị trường
Để đứng vững trong giai đoạn khó khăn và phát triển trong thời gian tới, các DN cần phải thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng nguyên tắc thị trường, tôn trọng thị trường. Quan điểm về kinh tế thị trường của tôi đưa ra rất cụ thể như “tiền nào của đó”; “đắt hàng tôi trôi hàng bà”…
Trong nội bộ DN, chúng tôi cũng đưa ra chính sách kích cầu lương, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên theo nguyên tắc “vừa hồng, vừa chuyên”, đòi hỏi nhân viên phát huy khả năng của bản thân. Tất cả  CBCNV phải hiểu rõ thế nào là văn hóa kinh tế thị trường, siết chặt kỷ luật để mỗi cá nhân trong DN phải tự nâng cao trình độ, chuyên môn để đem đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh việc hoạt động kinh doanh theo văn hóa thị trường, tôn trọng thị trường, từ lãnh đạo đến nhân viên phải nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp trong các khâu. Đồng thời, củng cố, bảo dưỡng, bảo trì sản phẩm cũ, mới, đưa giá chính sách giá hợp lý theo từng thời kỳ, mùa vụ, huy động các công cụ marketing, quảng bá, khuyến mại hợp lý…
 theo vcci.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỗ tổ vua Hùng tháng mấy?