Xây dựng văn hóa DN không chỉ là áp dụng thành công những chuẩn mực như thương hiệu, tiêu chuẩn, sản phẩm, tác phong nhân viên… mà nó ẩn chứa nhiều yếu tố cần và đủ, cả hữu hình và vô hình, trong đó có cả yếu tố tâm linh.
Văn hóa tâm linh của VN đã hội tụ được tinh hoa qua sự giao lưu, mở mang hội nhập với những nền văn hóa khác như: Ấn Độ, Trung Hoa và cả các nước Âu, Mỹ, từ đó càng tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của văn hóa bản sắc các dân tộc VN. Văn hóa tâm linh thờ cúng tổ tiên vẫn là các hoạt động trung tâm trong các lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian. Đó là thể hiện việc tri ân công đức những người có công xây dựng Tổ quốc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Lễ bái thờ kính chính là thể hiện đạo hiếu, cũng chính là đạo tâm, đạo làm người. Lễ hội thể hiện sức mạnh tập thể, phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng nhân dân, tôn trọng quyền con người và giáo dục đạo lý kính trên nhường dưới, khuyến khích việc tuân thủ các luật lệ mang tính văn hóa tâm linh truyền thống.
Có thể khẳng định rằng vấn đề về tâm linh ngự trị và bền bỉ song hành tồn tại mãi cùng thời trong mỗi con người, không phân biệt màu da hay sắc tộc nào. Chỉ có sự cảm nhận, suy nghĩ về tâm linh như thế nào mà thôi. Việc nhìn nhận này cần phải ở nhiều góc độ khác nhau, phụ thuộc vào thời gian, môi trường và đức tin của mỗi người. Trong làm ăn của DN, đôi khi vấn đề về tâm linh cũng ảnh hưởng rất lớn về kinh doanh. Chắc chắn không ít doanh nhân trước khi bắt tay nhau hợp tác làm ăn đã xem đến tuổi của đối tác xem có hợp mạng với nhau hay không. Thông thường để đầu tư hay chuyển đổi trong làm ăn chủ DN phải lựa chọn xem năm nào phù hợp.
Tuy nhiên, tính tâm linh trong văn hóa DN là điều khó thể hiện bậc nhất trong quá trình xây dựng nó. Đến bây giờ, người ta vẫn không thể hiểu tại sao người Nhật lại cực kỳ hà khắc trong cách hành xử nội bộ, cấp dưới phải cúi đầu chào cấp trên, làm việc suốt đời và cống hiến trọn vẹn… Văn hóa kinh doanh trong một tổ chức đã tiến đến mức độ cao nhất, trở thành một thứ Đạo, mà từ thế hệ này tới thế hệ khác tôn sùng và làm theo.
Tại VN, các DN dường như mới chỉ quan tâm tới xây dựng văn hóa ở vẻ bề ngoài, mà quên đi việc tạo ra một “Đạo kinh doanh” riêng cho mình. Đạo kinh doanh đó được xây dựng trên nền tảng giá trị và niềm tin mạnh mẽ, từ đó những quy tắc ứng xử của những người trong nội bộ cũng sẽ theo cái Đạo ấy mà hình thành. Khi tổ chức đó cấy được những yếu tố tâm linh của Đạo kinh doanh, nếu được duy trì một cách khôn khéo, con người bên trong nội bộ sẽ giống như những con chiên hay những môn đồ của Phật giáo, tinh thần họ đều hướng tới một mục đích chung của tổ chức, tìm ra phương hướng thống nhất để hoàn thiện bản thân. Xây dựng được Đạo trong tổ chức cũng giống như xây dựng cho nhân viên phải thực hiện nghiêm ngặt những quy tắc để hoàn thiện mình.
dddn.com.vn