Vẫn là những dãy núi như bức tường thành bao bọc che chắn cho những con tàu neo đậu vào bến cảng. Vẫn là màu nước ngọc bích mênh mang hút mắt tới chân trời. Vẫn là triệu con sóng ngày đêm cõng lên mình những con tàu vạn tấn. Thế nhưng chiều Thu này, trong cái nắng dịu ngọt ẩn chứa nhiều dông bão, bỗng dưng tôi nhận ra tất cả đều rất khác lạ…
Dường như trong cái tấp nập, hối hả của những con tàu, những chuyến xe vào ra bến cảng có cả nỗi âu lo của những người lính, những cán bộ hàng hải, hải quan, những nhà thâu khi mùa mưa bão đang cận kề, có cả sự nhẫn nại chịu đựng cái gió, cái nóng toả ra từ những dãy núi đá và khói bụi công trường của hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân đang ngày đêm làm việc trong Khu kinh tế Vũng Áng .
Trên công trường nhà máy nhiệt điện Vũng Áng
Nhìn dãy nhà khang trang sạch đẹp của Cảng vụ Hà Tĩnh nằm trên con đường ra cảng chính, phía sau là hậu sảnh và khu nhà tập thể gọn ghẽ xinh xắn, tôi nói với Phó Giám đốc Trương Minh Tuấn: “Cơ sở vật chát đàng hoàng quá anh nhỉ? Chắc mọi người ở đây đều yên tâm làm việc?”. Anh Tuấn vui vẻ: “Yên tâm thì lẽ đương nhiên rồi, nơi làm việc tốt, xe buýt dừng ngay trước cửa cơ quan, ai muốn sáng đi chiều về Hà Tĩnh cũng được, không thi tuần về đôi lần. Hiềm nỗi sinh hoạt ở đây còn kham khổ, giá cả đắt đỏ, chợ thì xa. Mùa mưa báo, lo nhất là việc ra vào của tàu có đảm bảo an toàn hàng hải hay không?”
Tôi hiểu nỗi lo của những người cán bộ hàng hải ở đây. Không chỉ là chuyện sản lượng bốc dỡ, thủ tục hàng hải, điều các anh lo nhất vẫn là bến bãi, luồng lạch an toàn cho tàu cập bến, tàu nhổ neo. Khi có bão biển, các anh phải phối hợp với các lực lượng giúp đỡ tàu thuyền vào tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn những tàu thuyền bị hư hỏng do những ngày dài lênh đênh trên biển gặp sóng to bão lớn. Tháng 10-2011, các anh đã điều động một tàu khác đang neo đậu ở Cảng ra cửa biển cứu hộ một con tàu của Đà Nẵng bị “chết” . Rôi còn phải tính đến chuyện an ninh. Dẫu Vũng Áng còn nhiều an lành nhưng để đề phòng những diễn biến phức tạp, Cảng vụ Hà Tĩnh đã cử một số cán bộ đi học thêm về nghiệp vụ an ninh, phòng chống tàu thuyền nước ngoài có thể giả danh dân sự đẻ khủng bố, bạo loạn, trộm cướp. Tất cả đều là cần thiết, trong tình hình hiện nay.
Đường vào cầu cảng số 1
“Lo là lo vậy nhưng điều mừng nhất là nhìn chung, không khí ở bến cảng thời gian gần đây có vẻ nhộn nhịp hơn năm trước. Đến hết thàng 8-2012, đã có 690 lượt tàu ra vào Cảng, trong đó tàu Việt Nam là 546 lượt và tàu nước ngoài là 144 lượt. Tổng lượng hàng hoá xuất nhập nội địa là 1.190.074 tấn. Lệ phí thu được là 6.032.371.000 VND. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng hàng hoá tăng hơn”. Anh Tuấn phấn khởi cho biết. “Một điều mừng nữa là Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào gần đây đã hoàn thiện cơ cấu cổ đông của Công ty. Từ năm 2011 đến tháng 8/2012, tổng khối lượng hàng quá cảnh của Lào xuất nhập khẩu qua Vũng Áng được 67.641 tấn” Như vậy là từ cảng Vũng Áng, một đất nước không có bờ biển nhưng lại liền kề, gắn bó máu thịt với Việt Nam đã được vươn ra biển lớn, mang những hàng hoá của mình như quặng đồng, quặng sắt, muối mỏ, than…bán cho thế giới.
Tôi hiểu, trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, những con số ấy là vô cùng quý giá và đáng trân trọng với một tỉnh nghèo ở vùng duyên hải miền Trung. Chúng tôi cho xe chạy vòng quanh một lượt các tuyến đường chính của Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh và đường ra Cảng. Cầu cảng số 1 và số 2 tàu thuyền tấp nập, nhà máy nhiệt điện, Tổng kho khí hoá lỏng nằm đường bệ ngày bên cầu cảng. Từ trên con đường dẫn về Kỳ Lợi, phóng mắt nhìn ra xa đã thấy xe cộ hối hả ngược xuôi, những cỗ máy đang thi nhau hút cát, san lấp nền trên công trường san lấp hút cát của dự án Khu liên hiệp gang thép và cảng Sơn Dương Fomasa trải rộng trên một vùng bờ biển 2000 ha thuộc các xã Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương. Hàng nghìn kỹ sư, công nhân, cán bộ đang ngày đêm miệt mài làm việc. Trưa nay ngồi trên nhà bè của các ngư dân đã chuyển nghề sang kinh doanh hải sản tươi sống, tôi có dịp trò chuyện với một cán bộ của Cảng Hải phòng. Anh đang dẫn một đoàn khách Trung Quốc vào dùng bữa. Họ đến để tìm hiểu về Cảng và cung cách làm ăn ở đây. Bên cạnh bàn ăn của chúng tôi là đoàn Hàn Quốc. Tất cả các thực khách đều ăn uống ngon lành với những món mực “nháy,”cá, tôm hùm và các món ăn khác. Cũng dễ hiểu vì so với khách nước ngoài, 1 kg tôm hùm 1 triệu 500 ngàn, 1 kg mực 300 ngàn là không đắt, lại tươi ngon, chỗ ngồi rất thú vị. Vũng Áng giờ đã được nhiều đối tác trên thế giới biết đến. Còn các công ty dịch vụ “ăn theo” dự án nhiệt điện và nhà máy liên hiệp thép, cảng Sơn Dương- fomasa thì tính không xuể.
Tranh thủ đôi phút sau bữa ăn, tôi trò chuyện với chủ nhà bè Xuân Hinh và được biết: Tuy là cuối mùa nhưng thực khách ở đây vẫn đông . Mỗi nhà bè và lồng nuôi hải sản phía dưới được đầu tư từ 250-300 triệu đồng. “Khi nào đài báo bão và thấy gió Đông Bắc đã bắt đầu tràn vào là toàn dãy nhà bè nhổ neo vào phía trong vòng cung gần núi, chỗ kia kìa!” Theo tay chỉ của bà chủ thuyền, tôi phóng mắt về phía Tây, nơi bờ biển được bao bọc lại bởi các dãy núi như một cái vịnh nhỏ. Phía bên trái là Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Người kinh doanh hải sản nhà bè ở đây đã thích ứng với cách phòng chống bão. Sóng lớn gió to thì về vịnh, hết sóng gió lại ra bến cảng. Cùng lắm là nhà bè bị hư hỏng ít nhiều, song người không việc gì vì họ còn có những ngôi nhà nhỏ trên bờ.
Tàu vào ăn hàng tại Cảng Vũng Áng
Trước lúc ra về, chúng tôi vào Chi cục Hải quan Vũng Áng tìm hiểu tình hình xuất nhập khẩu ở đây. Chi cục trưởng Nguyễn Hồng Linh nói cười rổn rảng, cứ nhắc đi nhắc lại “ Chúng tôi coi việc phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu là trên hết. Họ là đối tượng phục vụ của chúng tôi.”Tôi biết toàn ngành đã cải cách hành chính từ mấy năm nay và tại nơi của khẩu quan trọng này, điều đó càng được cán bộ công nhân viên Chi cục coi trọng. Để việc kê khai hải quan điện tử đảm bảo 24/24 h, Chi cục đã trang bị máy nổ 60 KVA đề phòng khi mất điện. hệ thống máy chủ nối mạng Internet được Tổng cục lắp đặt ở Hà Nội truyền dẫn thông suốt, kể cả ngàymưa bão. Phong cách phục vụ nhanh chóng và thuận lợi , phương tiện máy móc kỹ thuật đảm bảo nên nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh cũng đăng ký kê khai Hải quan qua Vũng Áng và nhiều cửa khẩu khác của Hà Tĩnh. Tại đây còn có đại lý thủ tục Hải quan của các doanh nghiệp Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh có thể kê khai hộ thủ tục hải quan cho các đơn vị xuất nhập khẩu. Tình đến hết tháng 8-2012, đã có 554 lượt tờ khai hải quan với số thuế xuất nhập thu được là 631 tỷ 326 triệu VND, kim ngạch XNK là 2.286.292.141 USD; Anh Linh cũng cho biết thêm: Bộ tài chính giao cả năm Hà Tĩnh phải thu được 600 tỷ nhưng đến hết tháng 8 toàn ngành đã thu được 714 tỷ . Còn HĐND tỉnh thì giao cho ngành là phải thu được 900 tỷ năm 2012. Với đà này chắc sẽ được. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị của các dự án nhiệt điện và fomasa, hàng xuất khẩu có gỗ băm dăm, thuỷ hải sản và khoáng sản. Các doanh nghiệp đầu tư đều thực hiện nghiêm túc việc nộp thuế.
Tiễn chúng tôi ra cửa, Chi cục trưởng Nguyễn Hồng Linh chỉ về phía biển:
-Đã bắt đầu mùa bão rồi đó chị. Tuy ở đây còn cách biển 500 m nhung gió đã mang theo hơi mặn vào làm rỉ sét những cánh cửa sổ hành lang này. Thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm, nhưng chúng tôi đã quen rồi!
Tôi hiểu, tất cả đều đã quen với cái nóng, cái nắng ở đây, đã quen với những trận cuồng phong làm tàu bè nghiêng ngả, mưa hắt như tát nước vào mặt, gió thổi thông thống, đã quen với những bữa cơm tập thể thiếu vắng gia đình. Sinh hoạt đắt đỏ, chợ búa thì xa. Muốn mua gì cũng phải lên tận thị trấn. Dịch vụ trên bờ còn kém nên các thuỷ thủ chưa chọn Vũng Áng dừng chân sau những ngày dài lênh đênh trên biển. Chỉ có các cán bộ, kỹ sư, công nhân ở đây đã chọn Vũng Áng làm nơi trải nghiệm sức trẻ và ý chí quyết tâm của mình. Cô hàng xóm của tôi làm việc ở Ban quản lý dự án nhiệt điện Vũng Áng kể: Một ngày của em bắt đầu từ lúc 6h30 và kết thúc vào lúc 11 h30, buổi chiều từ 1h30 đến 5 h. Trong giờ làm việc tuyệt đối không được nói chuyện riêng và đi ra ngoài. Phòng ở tập thể có bếp ăn, phòng vệ sinh, giường tủ đầy đủ. Phòng làm việc có điều hoà. Ở đây ngày nắng nắng hơn mọi nơi, ngày bão gió lớn lắm. Vào đây em chỉ biết làm việc chứ không đi chơi đâu. Lúc đầu vào chưa quen nhưng bây giờ mọi thứ đã như được lập trình rồi chị ạ”
Chúng tôi chia tay Vũng Áng luc nắng đã nhạt hẳn. Trong cơn gió đã nghe chút se lạnh đầu thu. Phía chân trời biển đã chuyển màu xám nhạt. Hình như bão đang rập rình. Nhưng Vũng Áng vẫn nhộn nhịp và thanh bình, như đang sẵn sàng đón đợi tất cả.
Theo baohatinh.vn
Xem thêm:
- Báo cáo tài chính quý 2 năm 2017
- Mitraco hỗ trợ CDC Hà Tĩnh 100 triệu đồng thực hiện phòng, chống dịch Covid-19
- Tình Việt – Lào trong âm nhạc
- Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – CTCP chung tay ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID – 19
- MITRACO đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”