Tổ chức Đoàn tại các tập đoàn, tổng công ty đang đối mặt với một số vấn đề gây khó khăn trong triển khai, thực hiện các hoạt động. Tình hình này đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ để tổ chức Đoàn tại các nơi này phát huy hiệu quả trong thực hiện cả nhiệm vụ công tác Đoàn và công tác chuyên môn mà tổ chức Đảng, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty giao phó.
Phát sinh một số vấn đề trong tổ chức Đoàn tại các tập đoàn, tổng công ty
Đi liền với đổi mới về mô hình, cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp, năm 2007, thực hiện nhiệm vụ chính trị, Trung ương Đoàn đã sắp xếp tổ chức Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương là Đoàn cấp tỉnh. Theo đó, hầu hết tổ chức Đoàn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là đoàn cấp huyện trực thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương.
Để triển khai nhiệm vụ công tác Đoàn và sinh hoạt định kỳ theo điều lệ Đoàn, với chi đoàn có quá đông đoàn viên đang gặp rất nhiều khó khăn
Ở cấp tỉnh, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh tương đương với Đoàn cấp huyện. Tổ chức Đoàn tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh trực thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh.
Qua thực tế, việc sắp xếp này đã nảy sinh một số vấn đề. Đó là, mô hình tổ chức Đoàn trong một số tập đoàn kinh tế chưa thống nhất với mô hình tổ chức Đảng và chính quyền. Nhiều doanh nghiệp có qui mô lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, có chi nhánh hoặc công ty con ở nhiều tỉnh, thành nơi thì thực hiện quản lý theo hướng Đảng, đoàn thể trực thuộc địa phương, nơi lại thống nhất quản lý theo ngành dọc.
Theo quy định của Điều lệ Đoàn, hệ thống của Đoàn có 4 cấp nhưng thực tế đã hình thành nhiều cấp trực thuộc hoặc cấp trung gian. Phó Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương Vũ Đức Tú ví von, cơ chế tổ chức, hoạt động Đoàn tại các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp đặc thù ở thời điểm hiện tại có quá nhiều tầng, nấc và giống như người khổng lồ mặc áo quá chật.
Với quy định hiện hành, đoàn viên thuộc một số tập đoàn, tổng công ty phải đi lại mất nhiều thời gian, công sức… mới đủ điều kiện để được xem xét, kết nạp Đảng
Các đơn vị thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương đang tồn tại qua nhiều cấp trực thuộc, từ tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con, xí nghiệp, phân xưởng, chi nhánh, tổ, đội… không tương ứng với tổ chức Đoàn chỉ hình thành 02 cấp là cấp huyện và cấp cơ sở (Đoàn cơ sở và Chi đoàn cơ sở) dẫn đến bất cập về mô hình tổ chức như một số chi đoàn trực thuộc Đoàn cấp huyện loại 2 hoặc Đoàn cơ sở có số lượng đoàn viên lên tới 300 thậm chí gần 500. Đơn cử như một số Chi đoàn cơ sở thuộc Đoàn Công ty Xi măng Hoàng Thạch (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam) hay một số Chi đoàn cơ sở thuộc Đoàn Dầu khí Vũng Tàu (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam). Thậm chí Chi đoàn Phân viện phía Nam thuộc Đoàn cơ sở Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) có tới hơn… 3.000 đoàn viên.
Do “mắc kẹt” bởi các quy định của Điều lệ Đoàn nên không thể nâng cấp để các chi đoàn hoạt động như Đoàn cơ sở, từ đó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trong tổ chức Đoàn. Các đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển Đảng bởi theo quy định thì chi đoàn không có quyền ra Nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú để xem xét kết nạp.
Có chi đoàn đóng trụ sở ở phía Nam muốn làm quy trình giới thiệu đoàn viên kết nạp Đảng phải gửi hồ sơ và cử đoàn viên đó ra Đoàn cơ sở hoặc Đoàn tương đương cấp huyện loại 2 đóng tại Hà Nội, Hải Phòng để gặp mặt, xác minh làm căn cứ ra Nghị quyết giới thiệu. Như vậy chi phí đi lại tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động của tổ chức Đoàn và ngay cả đoàn viên được giới thiệu.
Một vấn đề quan trọng khác đang ảnh hưởng đến tổ chức Đoàn tại các doanh nghiệp đó là hiện nay ở các tập đoàn, tổng Công ty, tổ chức công đoàn đã thống nhất toàn hệ thống, tuy nhiên đa số các tổ chức Đoàn Thanh niên lại chưa thống nhất. Hiện mới có Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Đoàn Đường sắt Việt Nam có tổ chức Đoàn toàn ngành.
Có rất nhiều đơn vị trực thuộc có tổ chức Đoàn đang sinh hoạt với địa phương nơi có trụ sở hoạt động nên việc triển khai các chủ trương, chính sách, chiến lược của ngành mà cấp uỷ và Hội đồng quản trị các tập đoàn, tổng công ty giao cho Đoàn Thanh niên đảm nhận không “phủ sóng” được đến tất cả các đoàn viên mà chỉ tập trung được đến các đơn vị thuộc cơ quan, văn phòng tập đoàn, trụ sở chính và các đơn vị thuộc công ty mẹ.
Mặt khác, hiện trong Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương có những đơn vị là Đoàn tương đương cấp huyện (loại 2) có đầu mối và số lượng đoàn viên lớn, phân tán khắp các tỉnh trên cả nước, hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực như: Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với gần 27 ngàn đoàn viên, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với gần 14 ngàn đoàn viên, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Sông Đà với trên 13 ngàn đoàn viên. Theo số liệu Trưởng ban Công nhân lao động thuộc Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh Huỳnh Nguyễn Lộc cung cấp, chỉ tính riêng 17 cơ sở Đoàn Tổng Công ty thuộc Thành Đoàn TP đã có số lượng đoàn viên chừng 65-70 nghìn người.
Với số lượng đoàn viên thế này chắc chắn tương đương số lượng đoàn viên thanh niên của một tỉnh Đoàn thậm chí nhiều hơn một số tỉnh đoàn ở miền núi phía Bắc hay Nam Trung bộ… nhưng đội ngũ cán bộ chuyên trách rất mỏng, đơn vị nhiều nhất là 4 cán bộ, rất khó trong việc tiếp nhận, xử lý các văn bản từ Đoàn Khối và triển khai chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh niên xuống Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở.
Tìm giải pháp tháo gỡ bất cập
Có mặt tại Hội thảo mô hình tổ chức Đoàn tại các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp đặc thù vừa diễn ra tại Hà Nội, TS Lê Văn Cầu, Tổng biên tập Tạp chí Thanh niên đã phân tích, tổ chức Đảng tại nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện đang gặp khó khăn, trở ngại trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác tổ chức, cán bộ bởi các tổ chức cơ sở đảng hoạt động phân tán, trực thuộc nhiều cấp uỷ địa phương.
Cũng giống như tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn trong các đơn vị kinh tế này cũng bị chia tách trực thuộc các tỉnh, thành Đoàn, quận, huyện đoàn của nhiều địa phương. Việc đó hạn chế rất nhiều công tác tập hợp, giáo dục, phát huy vai trò quần chúng trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Hội thảo mô hình tổ chức Đoàn tại các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp đặc thù (Ảnh: MC)
Tổ chức theo mô hình thống nhất toàn ngành sẽ không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, mà còn đề cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, Đoàn trong tập đoàn, tổng công ty, TS Lê Văn Cầu nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng chưa kịp triển khai thực hiện nghị quyết của Đại hội chi đoàn tới các đoàn viên thì đã phải lo tổ chức Đại hội tiếp theo và khó tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng theo quy định của Điều lệ Đoàn với những chi đoàn có tận hàng trăm, hàng nghìn đoàn viên, Bí thư Đoàn Thanh niên VNPT Phan Hoài Nam nêu quan điểm, Đoàn nên có quy định, tùy thuộc vào số lượng đoàn viên, các đơn vị sẽ có thêm quyền được thành lập cơ sở Đoàn cấp dưới. Ngoài hình thức sinh hoạt Đoàn tập trung cũng nên cho phép hình thức sinh hoạt Đoàn theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin như sinh hoạt trực tuyến…
Bí thư Đoàn Thanh niên Than Quảng Ninh Lê Quang Thành bổ sung thêm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đoàn nghìn đoàn viên là cần nghiên cứu và đưa ra quy định cụ thể, ở các đơn vị có từ 500 đoàn viên, 10 chi đoàn trở lên phải có cán bộ Đoàn chuyên trách để đảm bảo duy trì hoạt động. Biên chế chuyên trách của Đoàn tại các doanh nghiệp đã có quy định cụ thể thì cần phải sớm thực hiện nhất là với đơn vị có đông đoàn viên, tránh tình trạng đã có quy định song lại đang khó thực hiện vì không có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ cấp trên như hiện nay.
Nhiều ý kiến đến từ các cơ sở Đoàn thuộc các tập đoàn, tổng công ty đều thống nhất rằng, “Đảng ở đâu thì Đoàn ở đó”, nên để Đoàn cơ sở trực thuộc ngành để Đoàn dễ dàng thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, của tập đoàn, tổng công ty giao.
Đối với tổ chức cơ sở Đoàn trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, có nhiệm vụ chính trị thống nhất, có cùng chuyên ngành, có quan hệ chặt chẽ và chi phối lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ chính trị thì từng bước thành lập tổ chức Đoàn toàn tập đoàn, toàn tổng công ty. Đoàn tập đoàn, Đoàn tổng công ty là Đoàn cấp trên trực tiếp của các tổ chức cơ sở Đoàn ở các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác cụ thể, chặt chẽ giữa Đoàn tập đoàn, Đoàn tổng công ty với Đoàn các địa phương có liên quan.
Thiết nghĩ, khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X đang tới gần, những quy định của điều lệ Đoàn sẽ đưa ra để bổ sung, sửa đổi và trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra hiện nay, việc sắp xếp, tổ chức lại mô hình tổ chức Đoàn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho phù hợp là một đòi hỏi tất yếu./.
Xem thêm: