Chuyện “ngồi chơi xơi nước” và lương “ba cọc ba đồng”

admin
29/04/13
0
Lao động một mực kêu lương thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, theo một số tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực này thì cần phải có góc nhìn thẳng thắn hơn cho đồng lương mà người lao động đang hưởng.
Bỏ việc để được… tăng ca
“Việt Nam không phải ngoại lệ khi có mức lương tối thiểu thấp. Thực tế, mức lương tối thiểu ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển cũng thấp hơn nhiều so với mức lương đủ sống. Vì thế, vấn đề ở chỗ là kỹ năng và năng suất lao động”, Oxfam, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực  giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng, nêu quan điểm khi bàn về vấn đề lương tối thiểu ở Việt Nam.
 
Câu chuyện lương không đủ sống dường như không chỉ được nhắc đến ở nhóm lao động phổ thông. Lao động trí thức, nhân viên văn phòng tại không ít cơ quan nhà nước cũng cho rằng, họ đang phải nhận đồng lương “ba cọc, ba đồng”
Một cán bộ của Oxfam nói rằng, trong khi ở nhiều nước thương lượng tập thể được đề cao, người lao động biết thương lượng và có thể tự tạo dựng được giá trị cho sức lao động của mình, thì ở Việt Nam, lao động tại các nhà máy chỉ biết “vác nặng” và thích được làm thêm giờ.
Thực tế, theo khảo sát của VnEconomy tại một số khu công nghiệp cũng cho thấy thực trạng nhiều lao động sẵn sàng bỏ việc ở một công ty này và chạy sang một công ty khác chỉ vì ở đó họ được làm thêm giờ, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm thu nhập.
Nguyễn Thị Mùi, công nhân của một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, làm việc 8 tiếng/ngày, đã bỏ việc để chuyển sang làm cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản với 12 tiếng/ngày. Lý do nghỉ việc chỉ vì không được tăng ca.
Một lao động làm việc tại nhà máy điện tử của một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Biên Hoà, Đồng Nai cũng cho biết, cô rất thích doanh nghiệp này vì tại đây có cơ hội được làm thêm giờ. Lương cô từ 2,4 triệu/tháng, cộng thêm tiền tăng ca nên lương lên tới 4 triệu đồng/tháng.
“Trong khi đó, họ không biết tạo giá trị cho mình bằng việc tăng kỹ năng và năng suất lao động, sao cho chỉ cần làm việc 8 tiếng/ngày thì họ vẫn có được 4 triệu đồng/tháng”, lãnh đạo một sở lao động – thương binh và xã hội nói.
Ông này cũng đưa ra cảnh báo, nếu lao động lăn xả vào tăng ca, thay vì sức khoẻ họ đủ để làm việc trong 30- 40 năm, thì họ chỉ đủ để làm việc trong 10 đến 20 năm.
Việc thiếu kỹ năng và khả năng thương lượng tập thể còn được Oxfam dẫn chứng trong việc nhiều lao động Việt Nam phải phụ thuộc vào trung gian, cụ thể là phải qua một công ty cho thuê lao động. Điển hình tại công ty Unilever, có hơn một nửa công nhân ở đây là được thuê lại từ một công ty cho thuê lao động.
Lương “ba cọc, ba đồng”
Câu chuyện lương không đủ sống dường như không chỉ được nhắc đến ở nhóm lao động phổ thông. Lao động trí thức, nhân viên văn phòng tại không ít cơ quan nhà nước cũng cho rằng, họ đang phải nhận đồng lương “ba cọc, ba đồng”.
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, nói đi thì cũng phải nói lại.
Ông Lợi cho rằng, hiện trong không ít công ty, đơn vị nhà nước, có đến 40% lao động “ngồi chơi xơi nước”, còn ngân sách thì đang  phải gồng mình để “nuôi” những đối tượng lao động này. Khi lao động không tạo ra sản phẩm, không tạo nên của cải vật chất thì Nhà nước lấy của cải từ đâu ra để trả lương, chưa nói đến việc điều chỉnh tăng lương cho họ?
Một cán bộ tổ chức nhân sự của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đưa ra nhận xét, có lẽ do quá nhàn rỗi, không biết làm gì nên mới xuất hiện thực trạng một bộ phận dân công sở thường xuyên la cà quán xá trong giờ làm việc. Thế mới có chuyện mới đây Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình đã phải đích thân thị sát các quán cà phê trên địa bàn để “bắt quả tang công chức ăn cắp giờ công”.
Tại Hà Nội, cũng không quá khó khăn để bắt gặp hình ảnh nhân viên của một doanh nghiệp, thậm chí là bộ, ngành nào đó làm việc riêng bên ngoài trong giờ hành chính.
“Không chịu làm việc, thậm chí một ngày chỉ làm được mỗi việc duy nhất là nhận hai cái công văn đến…, nhưng lại luôn đòi hỏi lương cao, đủ sống là điều hết sức phi lý”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Navigosearch, nói như vậy khi trao đổi với VnEconomy xung quanh câu chuyện này.
“Lao động của chúng ta cứ “kêu gào” lương tối thiểu thấp, nhưng vấn đề ở đây là thấp so với cái gì? Thử hỏi, một ngày lao động công sở thực sự làm việc được bao nhiêu tiếng đồng hồ? Hay là, trong 8 giờ ở công sở, thì lao động sẽ mất 2 giờ cho cà phê, 2 giờ cho lướt web xem thời trang, phim ảnh và hơn 1 giờ cho buôn chuyện”, bà Vân Anh nói.
Đấy là chưa nói đến việc đưa năng suất lao động trong một giờ đồng hồ của lao động Việt Nam so với lao động nhiều nước trên thế giới sẽ thấy rõ sự khác biệt, bà Vân Anh dẫn dụ.
Nói về năng suất lao động của lao động Việt Nam, mới đây Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đã đưa ra những con số cụ thể, từ năm 2008 đến nay, trung bình một năm tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là 3,3%/năm. Với tỷ lệ này, năng suất lao động của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới là ở mức quá thấp, chỉ bằng 1/15 năng suất của lao động Singapore, 1/11 so với lao động Nhật Bản, 1/5 của lao động Malaysia và 2/5 của Thái Lan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *