Đại tu “guồng máy” DNNN

admin
24/11/12
0
Thoái vốn đầu tư ngoài ngành và trở về với năng lực lõi là một trong những mắt xích cơ bản để khối DN nhà nước (DNNN) triển khai tái cơ cấu hiệu quả. Tuy nhiên, mắt xích này dường như đang “mắc kẹt” và rất dễ có nguy cơ khiến guồng quay tái cơ cấu bị chậm lại…
Trao đổi ví von với DĐDN, một chuyên gia cho rằng, thông thường khi sửa một bộ… truyền động mà có một mắt xích nào đó đang chững khựng cần tháo bỏ.
“Đột xích”
Hiểu theo nghĩa ví von nêu trên, việc tháo mắt xích đầu tư đa ngành ra khỏi bộ xích xe được nhiều chuyên gia cho rằng là yếu tố tiên quyết của việc tái cơ cấu DNNN, tái cơ cỗ xe kinh tế. TS. Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định “vấn đề là phải làm và phải làm bằng được, phải làm xong trước năm 2015… Trong trường hợp có thể sẽ lỗ và như có băn khoăn “mất vốn”, thì mất cũng đã mất rồi. Những khoản đầu tư nào đã lỗ vốn mà để nữa càng lỗ vốn thì tốt nhất là bán luôn”.
Nhưng chấp nhận mất vốn như cách nói của TS Nguyễn Đình Cung có lẽ mới chỉ là một gợi ý. Vì hiện nay DNNN đều quán triệt tâm lý không để mất vốn của Nhà nước và đôi khi chính sự quán triệt này lại “ngáng đường” hoạt động thoái vốn, vì cả 2 mục tiêu trong cùng lúc rất khó để đảm bảo vẹn toàn.
Chuyên gia đầu tư độc lập Trần Lê Khánh dẫn ra một ví dụ là ông có biết một DNNN, đã có một khoản đầu tư dự án hạ tầng bất động sản với giá mua bằng mệnh giá trị giá khá lớn. Sau khoảng 3 năm đầu tư tính đến thời điểm hiện nay, mỗi cổ phần 10.000 đồng trước đây nay chỉ còn 1.000 đồng. DN này muốn thoái vốn và để thực hiện được mục đích, đã phải bắt buộc tìm một đối tác, thỏa thuận một hợp đồng hợp tác sao cho có phát sinh doanh thu cho DN đối tác. Phía đối tác lấy phần doanh thu này để bù vào mức giá chênh lệch khi chấp nhận mua lại khoản vốn của phía DNNN. Cả 2 bên đều đạt mục đích: DN bên bán thoái được vốn và vẫn ghi được trong sổ sách khoản thoái vốn đạt bằng giá trị đầu tư (dĩ nhiên không tính hợp đồng thỏa thuận tách riêng); DN bên mua được mua vốn với mức giá rẻ nhưng trên hợp đồng chuyển nhượng cũng vẫn đảm bảo bằng mệnh giá. Đây là cung cách “lòng vòng” cho thấy hoạt động thoái vốn của DNNN gặp rất nhiều vướng mắc và đôi khi để đạt được mục tiêu, những nhà lãnh đạo DN sẽ phải sáng tạo nhiều “lối đi” vô cùng phức tạp – ông Khánh nhận xét.
“Tra dầu, bôi mỡ”…
Tuy nhiên, dù là “lòng vòng” và “phức tạp”, câu chuyện “đại tu guồng máy” DNNN bắt đầu từ thoái vốn vẫn còn mở ra các lựa chọn cho DN. Giả dụ như nếu áp dụng cách thức của DNNN mà chuyên gia Trần Lê Khánh nói tới kể trên, hẳn việc thoái vốn tại các NH của PVN sẽ chẳng có gì là khó khăn, thậm chí có thể đạt trên mệnh giá với giá trị thực, nếu PVN chấp nhận đàm phán một vài điều khoản thỏa thuận, tỉ dụ như sẽ có cam kết hợp tác toàn diện với đối tác nào sẽ mua vốn của PVN. Liệu có NH hay TCTD, TCTC nào đủ “dũng cảm” nói “không” với cam kết hấp dẫn từ Tập đoàn đóng thuế lớn nhất nước?
Cái khó của người trong cuộc
Với người trong cuộc lại có cái khó riêng. Thứ nhất, đó là bị mắc kẹt ở thị trường bất động sản. Cách nay gần một năm, TS Lê Đăng Doanh đã “cảnh báo” với DĐDN là các Tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước đã và sẽ “mắc kẹt” với hàng đống tài sản đầu tư là bất động, khách sạn, nhà hàng… mà 2/3 trong số đó là hoạt động kinh doanh thua lỗ không hiệu quả. Trong trường hợp đó, không chấp nhận thua lỗ để bán lỗ và lấy lại vốn được đồng nào hay đồng đó, chắc chắn việc thoái vốn sẽ bất thành. Còn nếu muốn thoái vốn mà vẫn đảm bảo an toàn vốn, trừ khi Chính phủ có “phép màu” đẩy thị trường bất động sản trở lại thời kỳ cao giá như xưa. Tiếc là cho đến hiện nay, dù quyết tâm thoái vốn theo lộ trình 2015 phải hoàn tất đã được khẳng định nhiều lần, nhưng cũng chưa có cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nào đứng ra thống kê xem các DNNN đã và đang đầu tư trị giá bao nhiêu trong tổng số các khoản đầu tư đa ngành vào bất động sản.
Thứ hai, hiện nay và tương lai, diễn biến đầu tư đã có nhiều thay đổi. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cả FDI và FII đang có chiều hướng mỗi lúc một thận trọng hơn. Vốn trong nền kinh tế từ các nhà đầu tư tổ chức cá nhân cũng đã cạn hẹp. Quan trọng nhất, không còn chuyện các Tập đoàn, Tổng Cty có thể đầu tư “luân xa” để kích thích giá trị sinh lợi của các khoản đầu tư mỗi ngày một lớn như trước. Người mua ít đi và đối tượng giao dịch giữ chặt hầu bao hơn. Một số các tính toán lỗ, lãi theo đó cũng phải linh động trên tình hình thực tiễn. Chẳng hạn, vụ EVN – Tập đoàn Điện lực VN tính toán toán cổ phần ở ngân hàng An Bình đang được dự kiến là sẽ lãi do đã có đối tác đặt mua với giá bằng hoặc thậm chí gấp 4 lần giá vốn, trên thực tế vẫn mới chỉ tính toán của EVN. Trong thời buổi hàng loạt khó khăn của các ngân hàng thương mại mới chỉ bắt đầu hé lộ và ngay chính ngân hàng An Bình cũng đã bắt đầu cho thấy sự suy yếu khi trở thành ngân hàng niêm yết đầu tiên báo lỗ trong quý 3/2012, thì không loại trừ khả năng các đối tác đã ngỏ ý với EVN sẽ phải cân nhắc lại. Trong khi đó, cũng theo dự tính của EVN, với khoản đầu tư vào Chứng khoán An Bình, Tập đoàn này dự kiến sẽ ứng xử theo phương cách đấu giá số cổ phiếu này theo giá thị trường. Đây rõ ràng là một phương án rất “thị trường” nhưng lại thiếu… thực tiễn, do thị trường chứng khoán đang ngày càng khó khăn và cổ phiếu ngành chứng khoán cũng đi xuống cực mạnh. “Chấp nhận bán lỗ thì EVN cũng chưa chắc đã bán được vốn. EVN, cũng như nhiều DNNN sẽ phải chờ thị trường có dòng tiền vào ra mạnh mẽ mới có thể “thoát xác” khỏi hoạt động đầu tư tài chính của mình” – một chuyên gia  nói.
Thứ ba, gánh nặng nợ xấu. Hiện nay với với hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu bình quân là 1,77 lần, có đến 30 tập đoàn, tổng Cty tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần; trong đó có 8 đơn vị có tỷ lệ trên 10 lần, 10 DN từ 5 – 10 lần, 12 tập đoàn, tổng Cty từ 3 – 5 lần (tính đến năm 2011); còn tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với 2010  (Nguồn: Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 4 khóa 13). Bên cạnh đó, nỗi lo về gánh nặng nợ xấu mà đối tượng cần được giải trừ trọng tâm vẫn lại chính là các DNNN với tỷ lệ sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng Cty chiếm 53% số nợ xấu, mà đường ra cho việc xử lý nợ đến nay lại vẫn chưa thực sự phát quang, cũng khiến hoạt động “bôi dầu tra mỡ” cần có từ vĩ mô đến vĩ mô sẽ khó như kỳ vọng.
“Đã đến lúc nên sẵn sàng tâm lý để chấp nhận hoạt động thoái vốn của các DNNN từ nay đến năm 2015 có thể diễn ra theo tình trạng “vừa đi vừa sửa”, không thể tránh lỗ ở những khoản khó tránh. Nhưng dù là vừa đi vừa sửa còn hơn dẫm chân tại chỗ hoặc thụt lùi khiến cỗ xe kinh tế ì ạch khó tiến lên”, một chuyên gia khẳng định.
Chuyên gia đầu tư Trần Lê Khánh:

Tôi cho rằng có nhiều yếu tố khiến hoạt động thoái vốn khỏi đầu tư đa ngành của DNNN sẽ còn diễn ra khó khăn. Trong đó, có hai yếu tố cơ bản nhất là: Một là, với cơ cấu tài chính và các quy định Nhà nước ngặt nghèo khó linh động, DN khó chủ động trong hoạt động thoái vốn so với DN tư nhân. Hai là, tâm lý và quy định không để thất thoát vốn của Nhà nước cũng là một rào cản lớn. Theo đó, quan điểm của tôi là nên tính toán và khoản nào lỗ, để lâu vẫn lỗ, thì phải chấp nhận cắt lỗ. Chẳng hạn như với những khoản đầu tư bất động sản, hạ tầng lớn mà DNNN đã mua bằng mệnh giá, chắc chắn nay không thể sang nhượng bằng mệnh giá hay tính hơn mệnh giá 0.2-0.5.

Chuyên gia độc lập Đinh Thế Hiển:

Thoái vốn đầu tư đa ngành của DNNN vẫn còn lộ trình 2 năm. Do đó, DN cần có tiêu chí cụ thể và tùy theo tình hình ở các mảng đầu tư mà hành động. Để có tiêu chí và hoạt định rõ lộ trình, DN lại cần phác thảo hướng đi từ sự phối hợp của người đại diện vốn nhà nước, nhà lãnh đạo có thẩm quyền quyết định hoạt động thoái vốn, các chuyên gia đầu tư độc lập chuyên ngành, tránh thất thu, tránh bán “lúa non”. Cũng qua đó, mới xác định được khoản nào cần đầu tư để chờ thêm thời cơ giá tăng lợi nhuận, thì sẽ đầu tư. DN cũng cần “tra dầu tra mỡ” cho các khoản đầu tư mới hy vọng hoạt động thoái vốn thực sự diễn ra theo nguyên tắc thị trường, minh bạch và đảm bảo an toàn vốn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *