Hà Tĩnh: Lực hút từ hệ thống cảng biển và KKT

admin
06/12/12
0
Từ một tỉnh nghèo thuần nông, gần đây Hà Tĩnh được biết đến là địa phương có hệ thống cảng biển phát triển và khu kinh tế (KKT) hấp dẫn “hút” được nhiều nhà đầu tư. Lực hút từ hệ thống cảng biển và KKT này sẽ góp phần tạo bước đột phá về kinh tế cho Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Bài 1: Điểm nhấn cảng biển
Là một quốc gia có bờ biển dài 3.400 km nên bất kỳ địa phương ven biển nào cũng mong ước mình có một hệ thống cảng biển nước sâu thật hoành tráng, để thành một cửa ngõ vươn ra biển lớn; đồng thời kết nối được với các hệ thống giao thông trong nước. Với điều kiện tự nhiên khá phù hợp về phát triển cảng biển, Hà Tĩnh đang dần biến mong ước trên thành hiện thực.
Tàu hàng của đối tác được các tàu lai dắt cảng Vũng Áng- Việt Lào kèm vào cảng “ăn” hàng
Trước tiên, hệ thống cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương (khoảng 50 bến cảng cho cỡ tàu siêu trọng lên đến 25-30 vạn tấn ra vào làm hàng) nằm trong quy hoạch phát triển cảng biển đã được Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là sự ưu tiên đầu tư của ngành giao thông vận tải cho Hà Tĩnh. Từ năm 2001 đến nay, Hà Tĩnh đã liên tiếp đưa bến cảng số 1 và 2 cảng Vũng Áng (công suất thiết kế 1,3 triệu tấn/năm) và hệ thống cảng xăng dầu, khí gas hóa lỏng vào hoạt động. Đây được xem là tiền đề, tạo bước đột phá cho việc phục vụ phát triển không chỉ riêng Hà Tĩnh. Ðến nay, Cảng Vũng Áng đã nhanh chóng có tên trên bản đồ hàng hải thế giới có độ sâu tự nhiên vào loại tốt nhất Việt Nam, được che chắn bởi dãy núi và đê chắn sóng vươn dài ra biển. Quan trọng hơn, Cảng Vũng Áng có một vị trí rất thuận lợi trong mạng lưới giao thông đường bộ với nước bạn Lào, vùng đông bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cha Lo bằng tuyến QL8A và QL12. Cảng Vũng Áng rất gần các tuyến đường hàng hải chính từ Bắc Á đi Nam Á hay từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương.
Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh Vương Bình Minh vui mừng cho biết: 10 tháng đầu năm 2012, lượng hàng hóa thông qua các cảng trong tỉnh (chủ yếu là cảng Vũng Áng) đã đạt gần 1,6 triệu tấn, vượt 100 nghìn tấn so với cả năm 2011. Và ước cả năm 2012 đạt 1,8 triệu tấn. Hiện tại KKT Vũng Áng hệ thống cảng xăng dầu, khí gas hóa lỏng đầu tiên tại khu vực do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư. Tuy mới đưa vào hoạt động trong năm 2011, nhưng trong 10 tháng đầu năm 2012, hệ thống cảng này đã tiếp nhận hàng trăm nghìn tấn nguyên liệu phục vụ cho phát triển.
Hệ thống cầu cảng của Tổng kho xăng dầu Vũng Áng có thể tiếp nhận tàu 15.000 DWT
Cũng bắt đầu từ quý 3 năm 2012, hàng hóa của nước bạn Lào cũng bắt đầu thí điểm về cảng Vũng Áng để xuất đi nước thứ ba. Tuy con số ban đầu khoảng 100 nghìn tấn “mở hàng” trong năm 2012 này, nhưng nó đã chính thức khơi thông tuyến hàng quá cảnh của nước bạn Lào, đông bắc Thái Lan chảy về Vũng Áng. Theo các thỏa thuận đã được ký kết giữa các doanh nghiệp, dự kiến từ năm 2015 trở đi, lượng hàng quá cảng thông qua cảng Vũng Áng lên đến hơn một triệu tấn/năm. Gặp Robusher – Giám đốc Công ty TNHH Phu Mia (nước bạn Lào) tại cảng Vũng Áng, ông cho biết: Trước đây, xuất hàng đi Trung Quốc và các nước Bắc Á phải vận chuyển xuyên qua Thái Lan và đi vòng từ Vịnh Thái Lan đi lên khá tốn kém vì cách xa hàng nghìn km đường bộ và đường biển so với việc xuất qua cảng Vũng Áng…
Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những đơn vị năng động và luôn đồng hành với sự phát triển của tỉnh. Với cải cách thủ tục hành chính luôn được đặt lên hàng đầu. Ban đầu, đội liên ngành xuống tàu làm thủ tục mất hàng tiếng đồng hồ; nhưng hiện, thủ tục được tiến hành ngay tại văn phòng Cảng vụ, và chỉ trong vòng 20-30 phút. Ðường dây nóng giữa cán bộ chủ chốt của tỉnh với Cảng Vũng Áng và Cục Hàng hải được thiết lập, từ đó đã góp phần giải quyết nhanh các tồn tại như sách nhiễu chủ tàu, chủ hàng và doanh nghiệp… thời gian qua, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã mạnh dạn thí điểm thành công việc cho tàu có tải trọng lớn ra vào cảng 24/24 giờ. Trên cơ sở thành công trên, hiện ngành hàng hải cho phép tàu ra vào cảng Vũng Áng 24/24 giờ để làm hàng, đã góp phần rút ngắn thời gian làm hàng.
Chúng tôi gặp Giám đốc Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào Dương Thế Cường ở văn phòng công ty tại KKT Vũng Áng. trông giám đốc Cường già dặn hơn, đầu đã hói, tóc bạc nhiều so với hồi “nằm” trực chỉ huy văn phòng công ty khi mới đưa bến số 1 cảng Vũng Áng vào hoạt động. Ông Cường cho biết: Tuy chưa có hệ thống thiết bị bốc xếp hiện đại nhưng với chính sách “một cửa, không dấu” năng xuất bốc xếp luôn được cải thiện, đã đạt bình quân 6-8 nghìn tấn/ngày. Thời gian giải phóng tàu nhanh, đáp ứng được điều mong muốn của các chủ tàu và chủ hàng khi đến Vũng Áng. Cũng theo Giám đốc Cường: 10 tháng đầu năm 2012, Công ty đã thực hiện hơn 1,7 triệu tấn xếp dỡ tại cảng Vũng Áng; đạt doanh thu hơn 72 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 8 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 3 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng…10 tháng đầu năm nay, cảng Vũng Áng đón gần 1000 lượt tàu các loại, trong đó có 200 lượt tàu nước ngoài (chủ yếu tàu có tải trọng lớn từ 2-4,5 vạn tấn).
Lùi về quá khứ, năm 1973, cùng một số cảng sông trên địa bàn Hà Tĩnh, cảng Xuân Hải (nằm trên bờ sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân) được hình thành để thực hiện việc trung chuyển hàng hóa (chủ yếu là vũ khí, hậu cần) phục vụ chiến trường miền Nam. Sau năm 1978, cảng này sát nhập về Công ty Sông biển Nghệ Tĩnh. Và mỗi năm bốc xếp được một vài trăm nghìn tấn hàng hóa chủ yếu là lương thực, khoáng sản, than, gỗ…phục vụ cho địa bàn Hà Tĩnh và nước bạn Lào.
Tàu vào ăn hàng tại Cảng Vũng Áng
Xin được làm phép so sánh về sự phát triển hệ thống cảng biển ở tỉnh ta. Năm 1992, Hà Tĩnh được tái lập với một cảng sông Xuân Hải để vươn ra biển. Tàu nhỏ cỡ một vài nghìn tấn phải đợi thủy triều lên mới có thể ra vào cảng Xuân Hải. Vào thời điểm này, hệ thống cảng Hà Tĩnh thua kém nhiều tỉnh bạn. Nhưng từ tháng 3 năm 2001, đến tháng 6 năm 2010, chúng ta lần lượt đưa bến số 1 và bến số 2 cảng Vũng Áng đưa vào hoạt động cùng hệ thống cảng xăng dầu, khí gas hóa lỏng. Chưa hết đến đầu năm 2013, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng sẽ đưa cầu cảng tiếp nhận than với công suất 3 triệu tấn/năm phục vụ việc phát điện.
Điều đáng nói, từ trước đến nay, nhiều địa phương trong cả nước (nhất là các tỉnh kinh tế còn khó khăn) mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hệ thống cảng biển đều không thành công vì đầy tốn kém và thời gian thu hồi vốn cực lâu. Nhưng đối với Hà Tĩnh thì không phải như vậy. Trước tiên, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt Lào hiện đang sở hữu hai bến cảng số 1 và 2 Cảng Vũng Áng với giá trị đầu tư khoảng 1000 tỷ đồng. Đúng như tên gọi của Công ty, đây là một liên doanh quốc tế giữa Việt Nam và Lào trong đầu tư khai thác cảng biển. Nó được thể hiện qua vốn góp của Tổng Công ty khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh 53%, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước 27% và Công ty liên hợp Lào phát triển cảng Vũng Áng 20%. Chưa hết, khi vào đầu tư Nhà máy luyện gang thép lớn nhất Đông Nam Á, Tập đoàn Formosa (Đài Loan – Trung Quốc) đã được Chính phủ cho phép đầu tư hệ thống cảng Sơn Dương và kè chắn sóng trị giá khoảng 1 tỷ USD. Đến nay, nhà thầu quốc tế Sang Sung đang thi công hệ thống kè từ đất liền ra đến đảo Sơn Dương và cũng bắt đầu thi công bến cảng số 1 – cảng Sơn Dương. Theo nhận xét của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật: “Hệ thống cảng Sơn Dương với độ sâu lý tưởng (khoảng 27-28 mét) hoàn thành đi vào hoạt động sẽ cho phép tàu 25-30 vạn tấn ra vào làm hàng trực tiếp mà không phải chuyển tải. Lúc đó hệ thống cảng Vũng Áng – Sơn Dương ở Hà Tĩnh được xem là một trong những cảng lớn nhất Việt Nam”.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Cảng Vũng Áng đã luôn đạt và công suất thiết kế cầu cảng, lượng hàng hóa dự báo trong những năm tới ngày một nhiều, nhưng đến nay, vẫn chưa mở được tuyến Container; chưa có dàn cần trục chân đế…KKT Vũng Áng thu hút đầu tư là vậy nhưng đến nay, hệ thống hạ tầng: Điện, viễn thông…chập chờn, nhất là vào mùa mưa bão.
Dự kiến, khi các KKT đi vào hoạt động ổn định, hệ thống cảng biển ở Hà Tĩnh mỗi năm có ít nhất khoảng 30-50 triệu tấn hàng hóa thông qua. Đây sẽ tiền đề để Hà Tĩnh tạo bước đột phá trở thành một tỉnh có nền kinh tế biển phát triển như tinh thần Nghị quyết TƯ 9 đã đề ra.
baohatinh.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỗ tổ vua Hùng tháng mấy?