Nỗi buồn DN 2012: Cạn tiền, lỗ nặng và phá sản

admin
27/12/12
0
Chưa năm nào DN Việt Nam lại đối mặt với nhiều khó khăn như 2012. Rất nhiều cú sốc về thua lỗ, phá sản đã diễn ra. Những cú sốc ở nhiều góc độ khác nhau và nhiều đến mức nó trở nên quen thuộc và đôi khi trở nên không còn sốc nữa.
Vốn ngàn tỷ không có doanh thu
Không ít nhà đầu tư thực sự bị sốc khi nhiều DN có quy mô cả nghìn tỷ đồng nhưng không có một đồng doanh thu.
Gần cuối tháng 7/2012, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà – Sudico (SJS) công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2012 của công ty mẹ. Theo đó, doanh thu thuần quý này âm 1,93 tỷ đồng (so với cùng kỳ gần 51 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng lỗ 5,6 tỷ đồng, so với mức lãi gần 25 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
SJS một DN BĐS hàng đầu với vốn chủ sở hữu lên tới trên 1.700 tỷ đồng mà không có doanh thu hẳn là một cú sốc đối với các cổ đông nắm giữ cổ phiếu này.
Sau thông tin này, cổ phiếu SJS đã nhanh chóng tụt giá từ gần 35.000 đồng/cp khi đó xuống khoảng 17.000 đồng/cp hồi cuối tháng 11.
Nhiều nhà đầu tư tự hỏi, tại sao một DN lớn như vậy mà doanh thu liên tục giảm sút trong thời gian vừa qua và có thời kỳ không thu về được một đồng tiền thì bộ máy sẽ hoạt động như thế nào? Trong khi đó, nội bộ DN này lại đấu đá nhau dữ dội.
Mặc dù nhiều cổ đông lớn vẫn đang mua vào cổ phiếu SJS nhưng tổng vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này đã giảm rất mạnh trong năm 2012. Trong năm trước đó, vốn hóa SJS bốc hơi 2.000 tỷ xuống còn 3.000 tỷ và tính tới cuối tháng 11/2012 đã xuống dưới 2.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực khoáng sản, không ít nhà đầu tư cũng choáng váng không hiểu tại sao nhiều DN lại đang đối mặt với tình trạng khó khăn cao độ, không có doanh thu thậm chí thua lỗ.
Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (BGM) trong 6 tháng đầu năm 2012 không phát sinh doanh thu so với mức tương ứng cùng kỳ là 15,5 và 41 tỷ đồng.
Nhiều DN khai khoáng khác cũng gặp khó khăn, thua lỗ hoặc lãi rất ít. Những DN tiềm năng sinh lời to lớn như vậy nhưng lại đang phơi bày một bộ mặt thểu não và gây sốc đối với các nhà đầu tư.
Tình trạng không doanh thu hoặc doanh thu cực thấp, tụt giảm so với năm trước diễn ra khá phổ biến trong phần lớn thời gian năm 2012. Gần nhất, CTCP Đầu tư và xây dựng điện Meca-VNECO (mã VES) trong quý III/2012 chỉ đạt 627 triệu đồng doanh thu, giảm 86% so cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt 5,33 tỷ đồng, giảm 72% cùng kỳ 2011.
Một loạt các DN lớn có doanh thu thấp ở mức “sốc” khác có thể kể đến như: SAM (quý III đạt 2,3 tỷ, so với 207 tỷ cùng kỳ); ITA (tổng doanh thu quý III âm 223 tỷ đồng)…
Lỗ mất vốn, nợ ngập đầu phá sản
Doanh thu tụt giảm hoặc không có là đáng sợ đối với các cổ đông nhưng những thông tin đại loại như lãi chuyển thành lỗ, cụt vốn, đối mặt với hủy niêm yết, tuyên bố phá sản… cũng sốc không kém.
Mở màn cho hiện tượng lãi thành lỗ hoặc tụt giảm nghiêm trọng lại vẫn là gương mặt Tổng Công ty Vinaconex (VCG). Vào cuối tháng 4/2012, giới đầu tư bị sốc với VCG khi doanh nghiệp này công bố lợi nhuận ròng năm 2011 sau kiểm toán giảm 10 lần từ 447 tỷ xuống 40,2 tỷ đồng.
VCG là một trường hợp khá đặc biệt. Việc có quá nhiều khoản đầu tư, vào BĐS cho tới vào doanh nghiệp, từ xây dựng cho đến vật liệu xây dựng… đã khiến cho VCG phụ thuộc rất nhiều vào các DN liên quan khác. Việc không thống kê sát các số liệu cũng là điều dễ hiểu. Điều tồi tệ là sau mỗi lần điều chỉnh thì tình hình càng xấu đi.
Một trường hợp gây sốc khác là Tổng CTCP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX). DN khủng với khối lượng cổ phiếu niêm yết lên tới 400 triệu đơn vị này hồi đầu tháng 9/2012 đã bất ngờ công bố lỗ khủng cùng với việc lãnh đạo 4 công ty con bị bắt giữ.
PVX vốn được biết đến là một cổ phiếu “hot” hàng đầu trên sàn chứng khoán Hà Nội. Tuy nhiên, DN này bất ngờ công bố lợi nhuận sau thuế đến 30/6/2012 bị âm hơn 334 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm gần 468 tỷ đã khiến nó bị loại ra khỏi danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Đây là một cú sốc lớn và cổ phiếu này đã rớt giá khủng khiếp sau đó.
Từ một DN vẫn còn lãi ròng trong quý I, PVX đột ngột báo lỗ ròng 544,08 tỷ đồng (riêng công ty mẹ lỗ ròng 260,73 tỷ đồng) trong quý II. Bên cạnh đó, theo kiểm toán, tại thời điểm 30/6/2012, PVX còn bảo lãnh 10 công ty con vay vốn tại 5 ngân hàng đã bị quá hạn tổng cộng lên đến 558 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có lẽ cũng không nằm ngoại vết xe đổ nhiều DN khác đã đi vào như: Phát triển nóng, đầu tư dàn trải, đầu tư BĐS, dự án không hiệu quả, dùng vốn ngắn hạn cho đầu tư dài hạn… Chỉ có điều, sự yếu kém của PVX đã lộ diện quá bất ngờ khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 3, hơn 6.000 cổ đông của Công ty HANIC (SHN) cũng đã chứng kiến một cú sốc (và kèm theo đó là mất tiền do giá cổ phiếu tuột dốc) sau khi Chủ tịch doanh nghiệp này ông Đinh Hồng Long tuyên bố doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Trong 9 tháng đầu năm 2012, SHN lỗ gần 110 tỷ đồng, lũy kế 235 tỷ.
Ông Long khi đó đã vạch lại vụ việc Công ty CP BETA BQP vi phạm hợp đồng, không trả lại số tiền hơn 30 tỷ đồng đã khiến công ty có nguy cơ mất hết vốn và mất thanh khoản, hoạt động kinh doanh đang bị đình đốn do thiếu vốn, người lao động buộc phải nghỉ việc…
Tình trạng thua lỗ nặng nề, cụt vốn, nợ ngập đầu, đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết trong năm 2012 khá phổ biến như trường hợp Viglacera Đông Triều DTC (lỗ vượt vốn điều lệ), Viglacera Thăng Long TLT (lỗ lũy kế 117 tỷ đồng, so với vốn chủ sở hữu 48 tỷ đồng), VCH, FBT, VSG, S27, SHC, TLC…
Làm ăn kinh doanh, thua lỗ là chuyện thường tình, nhưng chưa bao giờ DN lại khó khăn, thua lỗ nhiều như năm nay. Từ các đại gia lớn đến các DN nhỏ đều vấp phải những vấn đề về thiếu tiền, nợ nần, không có doanh thu và nguy cơ phá sản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 11 tháng cả nước có 62.794 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 403.000 tỉ đồng, giảm 10% về số lượng và 8,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2011, trong khi số DN giải thể là 48.000. Còn theo con số ước tính đến hết năm 2012, có khoảng 55.000 DN ngừng hoạt động và giải thể.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chí Lan cảnh báo, theo thông tin gần đây nhất của ngành thuế, có tới 40% số DN đăng ký kinh doanh không còn nộp thuế, các DN chưa ngưng hoạt động nhưng phải giảm công suất còn rất nhiều và có thể “chết” trong năm tới.
DN chết là thật với hàng nghìn lao động mất việc, trong khi DN mới ra đời với số lao động đăng ký, chưa thực tuyển không chứng tỏ được điều gì. Đừng nghĩ số DN mới thành lập có thể bù đắp được cho số DN chết đi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *