Bàn giải pháp cân đối thị trường chăn nuôi

admin
05/08/12
0
Với việc giá các mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm giảm mạnh, sức tiêu thụ chậm khiến nhiều trang trại chăn nuôi phải giảm quy mô sản xuất. Nếu tình trạng này không được giải quyết kịp thời, những tháng cuối năm có thể xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm và sốt giá.

Đó là nội dung trọng tâm được bàn thảo tại Hội nghị “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay của chăn nuôi lợn và gia cầm” do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức, ngày 4/7.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết giá các sản phẩm chăn nuôi đang xuống rất thấp. Trước tình hình này, rất nhiều cơ sở chăn nuôi gia trại, trang trại đã phải tạm ngừng sản xuất, nhiều trang trại có nguy cơ phá sản. Trong khi đó, giá các sản phẩm đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y không giảm mà một số nguyên liệu có xu hướng tăng, như khô dầu đậu tương tăng 16,4%, cám gạo tăng 12,5%.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi Cổ Đông cho biết, có đến 80% trên tổng số hơn 450 trang trại chăn nuôi thành viên của hợp tác xã này trên địa bàn 5 huyện phía Tây Hà Nội đang tắc đầu ra.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định vào năm ngoái giá thịt lợn hơi rất cao, gần 70.000 đồng/kg, trong khi giá thành chỉ khoảng 44.000-46.000 đồng/kg, người chăn nuôi lãi lớn nên đã kích thích sản xuất, dẫn đến cung vượt cầu.
Chất cấm Beta agonist đã được kiểm soát từ giữa tháng 4/2012 và dịch tai xanh chỉ xảy ra ở lợn, nhưng thịt gà vẫn giảm mạnh là minh chứng không phải nguyên nhân do an toàn thực phẩm mà do nguồn cung thịt vượt cầu.
Ông Vang cho rằng nếu các cơ quan quản lý nhà nước và người chăn nuôi không xử lý kịp thời, nguy cơ sẽ thiếu thực phẩm và sốt giá vào cuối năm. Dự báo mức lỗ của của ngành chăn nuôi hiện nay lên tới 2.000 tỷ đồng/tháng, nhiều khả năng tình trạng này sẽ còn kéo dài tới tháng 9 đối với chăn nuôi lợn và đến tháng 8 đối với gia cầm. Và kể cả sau khi tình trạng này đã được ngăn chặn, thì khả năng ngành chăn nuôi sẽ vẫn thiệt hại tiếp 5.000 tỷ đồng trong 2-3 tháng tiếp theo.
Để đưa giá thịt lợn hơi lên, cần phải có các giải pháp giảm nguồn cung thịt. Ông Vang khuyến nghị, không nên giảm đàn lợn nái, vì đây là nguồn sản xuất giống phục vụ sản xuất lâu dài. Cần phải giảm số lượng lợn sữa đưa vào chăn nuôi lợn thịt, bằng cách các cơ sở chăn nuôi nên chuyển khoảng 15% số lợn mới cai sữa sang làm mặt hàng lợn sữa quay để xuất khẩu sang thị trường Hongkong và phục vụ tiêu dùng trong nước.
Đối với các cơ sở giết mổ nên áp dụng quy trình cấp đông sâu để lưu trữ thịt trong 3-4 tháng nhằm kéo lui nguồn cung ra thị trường. Cần phải đa dạng hóa sản phẩm, khuyến khích tăng tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp chế biến thịt ăn ngay như xúc xích, thịt xông khói nên sử dụng nguồn thịt trong nước để bảo quản sản phẩm thịt lâu hơn.
Ngày 3/7, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã có văn bản trình Chính phủ, kiến nghị những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi. Theo đó, kiến nghị đối với giết mổ tiêu thụ tươi và giết mổ cấp đông: cho vay 20 triệu đồng/1 tấn sản phẩm, thời hạn vay 3 tháng, lãi suất 0%. Đối với chế biến sản phẩm đóng hộp và các thành phẩm khác, cho vay 30 triệu đồng/1 tấn sản phẩm, thời hạn vay 6 tháng, lãi suất 0%. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/7/2012 đến 28/2/2013…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỗ tổ vua Hùng tháng mấy?