Cảng Vũng Áng, cảng biển sâu lý tưởng một thời hiu hắt bây giờ đã trở thành một bến đỗ tấp nập của bao nhiêu con tàu lớn nhỏ đi khắp muôn phương. Những con tàu ngạo nghễ cưỡi sóng trùng dương ấy được nâng niu từ sự lao động cật lực của cán bộ, công nhân Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào trong việc bốc xếp, tháo dỡ hàng, canh giữ, bảo quản an toàn kho bãi và sự linh hoạt, sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính của Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh…
Không để tàu đợi lâu…
Tôi cùng Giám đốc Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào Dương Thế Cường ra cảng Vũng Áng vào một chiều tháng 7 đầy nắng, gió. Cách đây 2 thập kỷ, biển Vũng Áng chỉ là một vùng hoang vắng. Bây giờ, trên bờ cảng, dịch vụ các món ăn đặc sản như mực nhảy, cá ngừ, cá hồng, tôm, cua, ghẹ tươi, ngon… mọc lên san sát… Bước qua một dãy nhà kho hàng, chúng tôi bắt gặp ngay “núi” bột gỗ băm dăm khổng lồ, vàng mịn. Cạnh đó là những chiếc tàu lớn, với những cần cẩu hàng dài như những chú hươu cao cổ. Những chiếc tàu chở hàng nước ngoài vượt trùng dương trông giống như những “ngôi nhà di động”.
Cảng Vũng Áng lớn mạnh từng ngày. Ảnh: Sỹ Ngọ
Khi tôi tiến lại gần một con tàu đang “ăn hàng” quặng đồng, trên cầu thang tàu, người thủy thủ nước ngoài có nước da bóng, đội mũ phớt, bộ râu quai nón nhìn tôi cười với ánh mắt thân thiện. Nhóm công nhân làm nhiệm vụ bốc xếp, tất cả đều áo đồng phục màu đỏ sẫm, đội mũ nhựa, mồ hôi ướt sũng. Đức, một công nhân (quê ở Kỳ Lợi) tâm sự: “Dường như tuần nào cũng có tàu vào, tàu ra nên đơn vị thường xuyên có việc làm ổn định. Có những lúc để giải phóng nhanh hàng và giảm bớt cường độ làm việc cho công nhân, ban giám đốc điều hành phải thuê thêm lao động phổ thông. Nhờ vậy, có những tàu hàng sức chứa hàng trăm tấn vẫn được giải phóng mau lẹ trong vòng 3 tiếng đồng hồ”. Đức nói: “Đã là công nhân cảng Vũng Áng phải biết từ bỏ các thói xấu như hút thuốc lá và uống rượu bia trong giờ làm việc”.
“Vì lao động vất vả, nặng nhọc nên đơn vị tăng chế độ ăn ca 3, bồi dưỡng giữa ca cho số công nhân làm nối ca. Nhà bếp bao giờ cũng sử dụng thực phẩm sạch và thường xuyên cải thiện bữa ăn cho công nhân” – một công nhân tên Huyền cho biết thêm.
Theo Giám đốc Dương Thế Cường, muốn kinh doanh có hiệu quả, ngoài năng lực, kỹ thuật, phải biết tạo mối đoàn kết trong công ty, từ văn hóa ứng xử trong nội bộ đến văn hóa ngoại giao. Có lẽ từ những chính sách mềm mỏng trong quan hệ và những hoạch định sát đúng thực tiễn trong kinh doanh đã làm cho Phó Giám đốc Sài Khoỏng Lát Đa Vông (Lào) ngày càng “tâm phục, trí phục, khẩu phục” những cán bộ, công nhân Việt Nam.
Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào là công ty liên doanh giữa Việt Nam (80% vốn điều lệ) và Lào (20% vốn điều lệ), được Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý, khai thác bến số 1 và bến số 2 với số vốn điều lệ 235 tỷ đồng. Bắt đầu hoạt động từ ngày 1/6/2011, tuy thời gian chưa dài và phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng những “tín hiệu xanh” trong hoạt động kinh doanh đã mang lại niềm vui cho những người bám trụ đất cảng. Năm 2012, tổng sản lượng hàng quá cảnh của Lào qua cảng Vũng Áng đạt 100.433 tấn, riêng hàng quặng đồng của Công ty Khai thác mỏ Phú Bia đạt 27.046 tấn, hàng quặng sắt của Công ty Khoáng sản Hạo Hạn đạt 66.267 tấn…
Giám đốc Dương Thế Cường chia sẻ: “Không để tàu đợi lâu, vì vừa mất thời gian, vừa hao sức, tốn phí lại đảo lộn kế hoạch của chủ hàng nên khi tàu vào nhập hàng hay tàu ra “ăn hàng”, cán bộ và công nhân chúng tôi không kể ngày đêm, thường xuyên có mặt tại bến cảng để giải phóng hay bốc xếp hàng”.
Mỗi bước đi gần nâng ước mơ xa…
Từ bến cảng Vũng Áng, tôi dạo bộ đến Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh. Giám đốc Vương Bình Minh quê ở Diễn Châu (Nghệ An) nhưng Vũng Áng bây giờ đã trở thành quê hương thứ 2 của ông. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải, ông là một trong những người về công tác tại cảng vụ sớm nhất. Minh yêu nghề, có bản lĩnh và chuyên môn nghiệp vụ giỏi, sống nhân ái, chan hòa nên luôn được mọi người quý mến.
KKT Vũng Áng đang là động lực cho Hà Tĩnh cất cánh. Ảnh: Sỹ Ngọ
Để giúp tôi hiểu thêm quy hoạch phát triển và các hoạt động khu vực Hà Tĩnh với những nét trội về cảng biển Vũng Áng, ông Minh cho biết: Theo quyết định quy hoạch của hệ thống cảng biển Việt Nam thì các cảng biển khu vực Hà Tĩnh thuộc nhóm 2 (nhóm cảng biển Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa tới Hà Tĩnh). Cảng Sơn Dương, Vũng Áng là cảng chuyên dụng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Với tầm quan trọng này, bến Sơn Dương chuyên dùng cho tàu có trọng tải 20-30 vạn tấn, có bến tổng hợp cho loại tàu 3-5 vạn tấn phục vụ liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu và công nghiệp nặng khác. Bến Vũng Áng là bến tổng hợp cho tàu 3-5 vạn tấn, có bến chuyên dùng phục vụ nhập than cho nhiệt điện và sản phẩm lỏng cho tổng kho xăng dầu.
Nhận diện sâu thêm tiềm lực cảng biển Vũng Áng, anh Nguyễn Minh Đức – Trưởng phòng Pháp chế của đơn vị phân tích: “Thiên thời, địa lợi đã giúp Hà Tĩnh có một cảng biển lý tưởng nhất với độ sâu luồng tới 12m, chiều dài hơn 1 hải lý, Sơn Dương có độ sâu luồng tới 27m. Chính vì thế, đầu tư xây dựng cảng biển Vũng Áng không chỉ hiện tại mà cả một hành trình xuyên suốt thế kỷ”.
Vào thời điểm năm 1998, cảng Vũng Áng chính thức khởi công bến số 1, cuối năm 2001, chính thức đưa vào sử dụng, lúc đó, bến chỉ đáp ứng cho tàu có trọng tải 1,5 vạn tấn. Vạn sự khởi đầu nan, khi những con tàu đầu tiên vào Cảng Vũng Áng neo đậu an toàn, đã tạo nên “cú hích” cho những con tàu vào đất Hà Tĩnh. Tiên lượng được sức mình để phát triển từ quy mô nhỏ tới quy mô lớn, năm 2005, Hà Tĩnh tiếp tục khởi công bến số 2 Cảng Vũng Áng – đủ điều kiện cho những con tàu có trọng tải 4,5 vạn tấn neo đậu.
Hơn 12 năm qua, bến số 1 và bến số 2 Cảng Vũng Áng đã lần lượt đón hàng trăm chuyến tàu lớn nhỏ ra vào. Các thủy thủ trên những con tàu vượt sóng trùng dương không chỉ mang trong mình ấn tượng về một môi trường an lành mà ấn tượng cả giọt mồ hôi công nhân phục vụ ở cảng, về cách làm việc khoa học, linh hoạt của cán bộ Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh.
Nguyên Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh Vương Bình Minh tâm sự: “Cải cách thủ tục hành chính, giao dịch một cửa đã giảm rất nhiều phiền nhiễu, tiết kiệm thời gian, tạo niềm tin bền vững cho khách hàng, đó là phương châm và hành động của chúng tôi”.
Mải theo chuyện những con tàu, chiều Vũng Áng buông xuống lúc nào không hay. Tôi nhìn ra biển rộng, ánh trời chiều đã gói trọn vào bụng biển. Bất chợt có tiếng còi tàu hú dài loang dần trên sóng nước, chan trong ánh điện lẫn trong âm thanh bộn bề tiếng máy, tiếng xe. Tiếng còi tàu đã thành tiếng chào quen thuộc và trở thành những điệp khúc đi cùng năm tháng.
Xem thêm:
- “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”!
- Anh Võ Kim Cự và MITRACO
- Công ty TNHH 1 thành viên Việt – Lào
- Về việc giải trình lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 sau kiểm toán thay đổi hơn 10% so với 6 tháng đầu năm 2018 trước kiểm toán của công ty mẹ
- “Vượt” dịch tả lợn châu Phi, Công ty CP chăn nuôi Mitraco thu lãi hơn 95 tỷ đồng