Không còn lo tắc đầu ra

admin
11/04/13
0

Từ chỗ chăn nuôi lợn ở quy mô nhỏ lẻ manh mún, ngành chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh đang dần chuyển sang quy mô lớn hơn. Khi người nuôi lợn liên kết với Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), nỗi ám ảnh” về đầu ra của nông dân bấy lâu nay đã được giải quyết.

Hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm

Khi chăn nuôi, người nông dân Hà Tĩnh thường phải loay hoay với việc tìm “mối làm ăn” có lợi khi đến mùa thu hoạch, nhất là khi thị trường chăn nuôi rớt giá. Thế nhưng việc khó này được giải tỏa khi nông dân liên kết với Mitraco. Không chỉ dừng lại ở đó, các khâu đầu vào như vốn, kỹ thuật từng là điểm yếu của người chăn nuôi thì nay cũng được hỗ trợ tối đa. Chính sách hỗ trợ đầu tư và bao tiêu đã đem lại hiệu quả lớn cho người chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh. Theo ông Nhị, Giám đốc Cty CP chăn nuôi MITRACO Hà Tĩnh, “để khuyến khích các hộ dân phat triển đàn lợn nái vệ tinh cho đơn vị, Cty đã đầu tư cho bà con vay 25-30% tiền đầu tư trong 4 năm không lấy lãi; bảo lãnh ngân hàng cho các hộ vay vốn xây dựng chuồng trại nuôi nái vệ tinh. Ngoài ra còn có một số chính sách hỗ trợ và cung cấp nguồn lực cho các đơn vị khối nông nghiệp thực hiện dự án chăn nuôi”.

Công ty Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc thuộc MITRACO HÀ TĨNH tặng lợn giống và thức ăn chăn nuôi cho các hộ chính sách ở thạch Hà.

Thăm trang trại tổng hợp của ông Phạm Văn Đức – Bí thư Đảng ủy xã Hương Minh (Vũ Quang – Hà Tĩnh), chúng tôi không ngớt trầm trồ khen ngợi trước những gì mà ông đã làm được. Từ một vùng đất hoang hóa, đất trống, đồi trọc trước đây, hiện nay ông Đức đã xây dựng được một trang trại tổng hợp bao gồm chăn nuôi lợn, gà vịt, cá và trồng cây công nghiệp.

Ông Đức cho biết: “Trước đây, tôi chỉ là một cán bộ xã bình thường. Nhưng từ khi được công ty Mitraco “khai hoang” cho trang trại của mình thì tôi mang thêm một trọng trách nữa là người dẫn đầu cho mô hình liên kết với doanh nghiệp về công tác chăn nuôi của huyện Vũ Quang. Nhờ sự vào cuộc của doanh nghiệp mà nông dân của huyện nghèo nhất tỉnh này được mở mang, phát trển rất mạnh”.

Từ mô hình 500 con lợn thương phẩm liên kết với Mitraco, ông Đức đã tận dụng để nuôi cá, gà, vịt và trồng cây công nghiệp. Mỗi năm sau khi đã chi trả nhân công, ông Đức còn thu về 700 triệu đồng. Đây là con số mà nông dân nào cũng mơ ước. Ông Đức vui vẻ nói thêm: “Tôi không phải lo lắng gì đến thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi hay đầu ra, chỉ có góp thêm ít vốn và quỹ đất của mình, việc liên kết này không chỉ giúp tôi đổi đời mà rất nhiều người dân ở đây đều cảm thấy như vậy”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tất Thắng – Tổng giám đốc Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cho biết: “Đến nay công ty đã có 54 mô hình nuôi lợn thương phẩm quy mô 250 con trở lên tại 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Công ty cũng đã đưa vào hoạt động vệ tinh nái bố mẹ ở xã Kỳ Băc – Kỳ Anh quy mô 350 từ tháng 12.2011, nâng tổng đàn nái vệ tinh lên 1300 con. Mitraco phấn đấu nâng số lượng con giống tại Trung tâm xã Thạch Vĩnh từ 1.500 con lên 2.500 con; trại Phú Lộc – Can Lộc sẽ đáp ứng đủ 2.000 con, thay vì 1.200 con như hiện nay. Phấn đấu đến năm 2020, Mitraco sẽ đáp ứng được 65-70% giống lợn chất lượng cao. Công ty có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, tư vấn chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm, trả tiền cho đơn vị liên kết… Vì vậy, khi liên kết với chúng tôi, nông dân không phải lo về sự bấp bênh của thị trường hay dịch bệnh, họ chỉ cần lấy công làm lãi”.

Đóng góp vào xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Hà Tĩnh đặt nhiều kỳ vọng vào Mitraco trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, thực hiện xây dựng nông thôn là phát triển đàn chăn nuôi gia súc tập trung chất lượng cao theo hai hướng: Phát triển tổ hợp liên kết các gia đình quy mô 15-29 con và xây dựng quy mô hình chăn nuôi tập trung từ 250 con trở lên. Từ đó, tiêu chí về thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã tại các địa phương trong xây dựng NTM cũng được thực hiện dễ dàng hơn.

Tổng giám đốc Dương Tất Thắng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Tĩnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh có 105 mô hình chăn nuôi hiệu quả cao. trong đó liên kết với Mitraco có 54 mô hình (chiếm hơn 50%). Hầu hết các mô hình đều thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã, trong đó có những tổ hợp tác, hợp tác xã đạt hiệu quả cao như Hợp tác xã Thống Nhất (xã Khánh Lộc, Can Lộc), Hợp tác xã Hoàng Châu (xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh)…

Chị Trần Thị Châu – Chủ nhiệm HTX Hoàng Châu cho biết: “Hợp tác xã bố trí 5ha để nuôi nái bố mẹ 350 con và 6.000 lợn con sau khi cai sữa cùng 1.000 lợn thương phẩm. Nếu trừ tất cả chi phí thì mỗi tháng HTX thu lãi ròng từ 100-150 triệu đồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục chị em xã viên”.

Một tin vui cho người chăn nuôi ở Hà Tĩnh: ngày 22/12/2012, Mitraco đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến súc sản tại khu kinh tế Vũng Áng với 2 giai đoạn, giai đoạn 1 công suất 500 con/ngày và giai đoạn 2, khi hoàn thành sẽ đầu tư lắp đặt công nghệ chế biến sâu như đóng gói, chế biến thịt hun khói đáp ứng công suất 1.000 con/ngày. Nếu nhà máy đi vào hoạt động thì chu trình “khép kín” trong chăn nuôi quy mô lớn sẽ hoàn thành, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh.

“Khi liên kết với chúng tôi, nông dân không phải lo về sự bấp bênh của thị trường hay dịch bệnh, họ chỉ cần tính công làm lãi”. Ông Dương Tất Thắng – Tổng giám đốc Mitraco

Nguyệt Hà   ( Báo Nông thôn ngày nay )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *